Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. (Ga. 20, 1).

Đọc hết cả bốn thánh sử nói về phần „Ngôi mộ trống“ chúng ta sẽ nhận ra một chi tiết rất đặc biệt. Theo tường thuật của ba thánh sử Matthêu, Marcô và Luca thì có ít nhất hai hoặc ba người đàn bà (có nêu tên hoặc chỉ nói „các bà“) đi ra viếng mộ Chúa Giêsu vào ngày thứ nhất trong tuần. Riêng thánh sử Gioan chỉ nhắc đến bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Như vậy, chắc hẳn thánh Gioan có một chủ đích nào đó.

Trước hết, chúng ta nhìn lại bối cảnh những ngày vừa xẩy ra cái chết đau thương của Chúa Giêsu. Các tông đồ và những người thân thương của Chúa Giêsu vẫn còn trong cơn hoảng loạn, buồn rầu, sợ hãi.

Họ sợ có thể những người biệt phái sẽ tìm bắt nên tất cả đều ở trong nhà đóng kín cửa.

Thế mà, sáng sớm tinh sương lúc trời còn tối các bà đã rủ nhau ra viếng mộ. Động lực nào đã thúc đẩy các bà vượt qua cơn sợ hãi. Chắc chắn đó là „Tình Yêu“. Tình yêu của các bà dành cho Chúa Giêsu cả lúc Ngài còn sống cũng như lúc Ngài đã nằm trong huyệt mộ. Tình yêu đã lướt thắng được sợ hãi.

Sợ hãi chỉ bị sức mạnh của tình yêu lấn át chứ không phải đã bị đẩy lui, vì thế các bà đã lợi dụng lúc trời còn tối để đi ra ngoài với hy vọng sẽ không gặp kẻ sẽ gây phiền phức. Và cũng có thể do lòng sốt mến, bồn chồn không thể chờ đến sáng. Mục đích của các bà là viếng xác thầy mình và xức dầu thơm cho thi thể của người mình thương mến theo truyền thống của người Do Thái thời đó.

Ở đây thánh Gioan chỉ nói bà Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ từ sáng sớm và khi thấy tảng đá lấp cửa mộ đã bị mở ra bà chạy về báo tin cho hai ông Phêrô và Gioan rồi lại theo hai ông trở ra. Khi hai ông Phêrô và Gioan về nhà thì bà ở lại và được Chúa Giêsu hiện ra với bà. „Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc? " Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! "Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? " Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về." Đức Giê-su gọi bà: "Ma-ri-a! " Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni! " (nghĩa là "Lạy Thầy"). Đức Giê-su bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em". Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.“ (Ga. 20, 11-18).

Tại sao Chúa đã không hiện ra khi có cả hai ông Phêrô và Gioan ở đó mà chờ khi hai ông đi khỏi mới hiện ra với bà Ma-ri-a Mác-đa-la rồi lại bảo bà đi thông báo cho các ông ? Như vậy, thánh Gioan cố ý cho chúng ta biết bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã là người được tuyển chọn để loan báo tin mừng phục sinh. Bà được vinh dự là một chứng nhân đầu tiên được diện kiến tỏ tường để có thể chứng minh Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại.

Nói về bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà vốn là một phụ nữ có một quá khứ không tốt. Bà là một người tội lỗi trong thành ai cũng biết. „Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Chúa Giêsu dùng bữa với mình. Chúa Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn.  Và kìa một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.  Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.“ (Lc. 7 36-38).

Hành động bà Ma-ri-a Mác-đa-la khóc lóc lấy tóc lau và đổ dầu thơm lên chân Chúa Giêsu đã chứng tỏ sự quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi quay trở về và xin được tha thứ. Chúa Giêsu đã xúc động trước sự hối lỗi và lòng thành khẩn của bà nên dù tội lỗi của bà nhiều bao nhiêu Chúa cũng đã sẵn sàng tha thứ. „ Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít". Rồi Ðức Giêsu nói với người phụ nữ : "Tội của chị đã được tha rồi".(Lc. 7, 47-48)

Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã thực sự trở nên một con người mới, một con người can đảm, thánh thiện rất được Chúa yêu thương. Kể từ ngày đó bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã theo Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường rao giảng Tin Mừng. Đặc biệt khi Chúa Giêsu bị bắt bà đã cùng đồng hành và chứng kiến trọn vẹn con đường khổ giá của Chúa Giêsu trong khi các tông đồ hầu hết bỏ trốn.

Cho đến lúc Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, các tông đồ ngoại trừ Gioan không thấy ai được nói có mặt dưới chân thập giá, nhưng Ma-ri-a Mác-đa-la đã có mặt, đã chứng kiến những giờ phút hấp hối và trút hơi thở cuối cùng của Chúa Giêsu. Và khi Chúa Giêsu đã được an táng bà vẫn luôn nghĩ tới việc chăm sóc cho người mình yêu mến bằng việc xức dầu thơm cho Ngài. Điều này cho thấy tình yêu bà dành cho Chúa Giêsu to lớn biết chừng nào.

Ngay từ lúc bà có mặt trong nhà người biệt phái Chúa Giêsu đã biết tấm lòng của bà nên khi nghe ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt xì xầm tiếc rẻ bình dầu quí mà đem xức chân cho người khác thì thật uổng phí, Chúa Giêsu đã nói: „"Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy“ (Ga 12:7).

Tiếc rằng bà đã không có cơ hội xức dầu thơm lên thân thể Ngài vì Ngài đã không còn nằm trong mộ nữa. Vì tình yêu của bà dành cho Chúa thật lớn lao, Chúa đã đáp trả tình yêu ấy bằng cách chọn bà làm sứ giả loan báo tin mừng „Chúa đã sống lại“.

Thánh sử Marcô cũng cho biết Ma-ri-a Mác-đa-la là người được Chúa hiện ra trước tiên:“ Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ“ (Mc. 16, 9).

Có lẽ sẽ nhiều người trong chúng ta tự hỏi: tại sao một người tội lỗi như Ma-ri-a Mác-đa-la lại được diễm phúc đó. Thánh Luca trả lời thắc mắc này như sau:“ Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn“ (Lc. 15, 7).

Chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa luôn mời gọi mỗi người chúng ta ăn năn sám hối trở về cùng Chúa, và Chúa sẽ ban phần thưởng xứng đáng cho ai đáp lại lời mời gọi đó. Bà Ma-ri-a Mác-đa-la thực sự rất xứng đáng và có đủ tư cách trở thành chứng nhân hùng hồn cho cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.

Hơn nữa, những việc Chúa làm thì vượt xa ngoài trí tưởng tượng của loài người. „Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy“. (Is. 55, 9).

Mừng lễ Phục Sinh xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn can đảm để trở thành chứng nhân cho Chúa giữa đời, đặc biệt trong thế giới con người không còn tin và đang loại dần Thiên Chúa ra khỏi đời sống hằng ngày.

Kính chúc mọi người tràn đầy niềm vui, ân sủng trong mùa phục sinh và xin ánh sáng vinh quang của Chúa phục sinh luôn chiếu tỏa trong lòng mọi người. ALLELUIA.

Đỗ Văn Thục

(Phục sinh 2021)

 

Trẻ con phải học người lớn để vào đời. Còn Chúa dạy : người lớn phải học trẻ con để vào Nước Trời. ( Mc 10,15)

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 394

Yesterday 396

Week 1358

Month 9811

All 309194

Currently are 92 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions