Hằng năm Giáo Hội vào ngày 06. Tháng Tám mừng lễ biến cố Chúa Giesu biến hình trên núi Tabor.

Và Chúa nhật thứ hai mùa chay hằng năm, bài Phúc âm tường thuật về biến cố này được đọc trong thánh lễ.

Giáo Hội Chính Thống mừng biến cố Chúa Giêsu biến hình từ thế kỷ thứ năm. Vào thời Trung cổ lễ mừng biến cố này cũng được mừng ở vùng bên Tây phương. Và năm 1457 dưới thời Đức giáo hoàng Calixto III. lễ mừng biến cố Chúa biến hình được chính thức ghi trong lịch phụng vụ Công giáo Roma.

Ngọn núi Tabor từ xa xưa thời trước Kitô giáo đã là nơi thờ kính tôn giáo và sách kinh thánh cựu ước cũng đã nói đến nơi này.

Núi Tabor cao 588 mét, nằm ở vị trí vùng Galileo phía Bắc nước Do Thái. Trên núi này có ngôi thánh đường Chúa biến hình. Xưa nay núi Tabor là địa điểm hành hương của các khách hành hương sang đất thánh Jerusalem, và của những người đi du lịch, người khảo cứu di tích lịch sử.

Kinh Thánh theo phúc âm Thánh Luca thuật lại Chúa Giêsu lên núi cao với ba môn đệ và bỗng chốc người biến hình trắng sáng như tuyết. (Lc 9,28-26).

Đâu là hình ảnh nét đẹp trong sáng bình an cùng huyền nhiệm chiếu tỏa từ Chúa Giêsu trên đỉnh núi Tabor với ba môn đệ lúc đó? Biến cố này có liên hệ trong đời sống đức tin không?

Đi tìm hiểu ý nghĩa sâu xa về biến cố này trong đời sống Chúa Giêsu, Đức Giáo hoàng Benedictô thứ 16. đã có suy tư theo lối so sánh biến cố đó giữa hai thời Chúa Giêsu và thời Cựu ước của tiên tri Mose.

Chúa Giêsu lên núi cao đem theo ba môn đệ Phero, Giacobe và Gioan (Lc 9, 28-299. Họ là nhân chứng khi Chúa Giêsu chiếu tỏa ánh sáng trên núi, và họ cũng là nhân chứng trong vườn cây dầu sau này lúc Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi bị nộp bắt (Mc 14,33).

Tiên Tri Mose, ngày xưa đưa dân Israel xuất hành trở về đất Chúa hứa từ Ai cập, khi lên núi cầu nguyện cùng Thiên Chúa, cũng mang theo ba Ông Aaron, Nadab và Abihu vừa là người cùng đồng hành và cũng vừa là nhân chứng (Xh 34), lẽ dĩ nhiên Tiên tri Mose cũng mang theo 70 vị bô lão khác nữa cùng đi lên núi như những nhân chứng.

Hình ảnh núi khiến ta liên tưởng tới Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu và những lần Chúa Giêsu cầu nguyện cũng trên núi. Núi như vậy là nơi chốn đặc biệt gần gũi với Thiên Chúa. Và trong đời Chúa Giêsu đã trải qua nhiều ngọn núi khác nhau: ngọn núi nơi ngài bị cám dỗ, ngọn núi nơi ngài rao giảng, ngọn núi nơi ngài cầu nguyện, ngọn núi nơi ngài biến hình trong sáng như tuyết, ngọn núi nơi ngài lo âu sợ hãi, ngọn núi nơi ngài bị trảm hình đóng đinh vào thập gía, ngọn núi nơi ngài sống lại và trở về trời, nơi chốn này hình ảnh một Chúa Giêsu tỏ hiện vinh quang chiến thắng „Thầy được trao ban cho mọi quyền hành trên trời dưới đất“ (Mt 28,18) đối ngược lại với ngọn núi cám dỗ nơi ma qủy cũng đã nói mình có mọi quyền hành.

Hình ảnh ngọn núi đời Chúa Giêsu đã trải qua cũng là hình ảnh những ngọn núi Sinai, ngọn núi Horeb, ngọn núi Morija trong thời Cựu Ước, nơi 10 điều răn của Chúa được mạc khải trao cho dân chúng, ngọn núi báo hiệu cuộc khổ nạn thương khó.

Ý nghĩa sâu xa hơn ẩn hiện đàng sau hình ảnh ngọn núi là nơi chốn bước đường thăng tiến sự đi lên không chỉ nơi bề ngoài nhìn thấy bằng mắt, nhưng còn cả bên trong nội tâm nữa.


Vị trí trên cao của ngọn núi gợi mang đến cảm gíac như được giải thoát khỏi gánh nặng trong đời sống hằng ngày, được hít thở không khí trong lành trong thiên nhiên, và từ đấy con mắt hướng nhìn xa hơn đi vào khám phá nét đẹp trong sáng lạ lùng của công trình thiên nhiên. Ngọn núi cao trổi vượt trên khỏi mặt đất bằng phẳng mang đến cho con người cảm giác tâm hồn mình cũng được nâng vươn lên cao, và dễ dàng nhận ra dấu vết sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa.

Lần theo dòng lịch sử, người ta cũng khám phá thấy kinh nghiệm về một Thiên Chúa đã từng nói chuyện với con người và kinh nghiệm về sự khổ nạn thương khó. Cao điểm của biến cố đó trong lễ hy sinh hiến tế Isaak của Abraham cho Thiên Chúa, trong lễ hy sinh của Con chiên (Chúa Giêsu) Thiên Chúa trên núi Calvaria.

Tiên tri Mose và tiên tri Elija đã được tiếp nhận mạc khải của Thiên Chúa trên ngọn núi, và các Ông đã được nói truyện với Thiên Chúa, khi Người xuất hiện là một con người mang điều mạc khải cho các Ông.

Thánh sử Luca (9,29) viết thuật lại chi tiết hơn về Chúa Giêsu biến hình trong ý nghĩa về ngọn núi như bước đi lên: „Khi ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà“

Như thế có thể nói, biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi có ánh sáng bao phủ chiếu tỏa là biến cố cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện nói chuyện cùng Thiên Chúa Cha, tâm hồn Chúa Giêsu hòa lẫn vào làm một với Thiên Chúa Cha, Đấng là ánh sáng tinh tuyền trong sáng. Và qua đó con người Chúa Giêsu tiếp nhận được ánh sáng từ nơi Thiên Chúa Cha bao phủ truyền sang.


Ngày xưa tiên tri Mose „từ trên núi Sinai đi xuống, tay cầm hai tấm bia Giao Ước, khi xuống núi, ông Môsê không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa.30 Khi ông A-ha-ron và toàn thể con cái con Ít-ra-en thấy ông Mô-sê, thì này đây da mặt ông sáng chói, nên họ sợ không dám lại gần ông.31 Ông Mô-sê gọi họ: ông A-ha-ron và các đầu mục của cộng đồng trở lại với ông, và ông nói chuyện với họ.32 Sau đó, toàn thể con cái Ít-ra-en lại gần ông, và ông truyền cho họ tất cả những điều ĐỨC CHÚA đã phán với ông trên núi Xi-nai.33 Nói với họ xong, ông lấy khăn che mặt đi.34 Khi vào trước nhan ĐỨC CHÚA để đàm đạo với Người, thì ông bỏ khăn cho đến lúc trở ra; ông trở ra và nói lại với con cái Ít-ra-en những mệnh lệnh ông đã nhận được.35 Con cái Ít-ra-en nhìn mặt ông Mô-sê thấy da mặt ông sáng chói; ông Mô-sê lại lấy khăn che mặt, cho đến khi vào đàm đạo với Thiên Chúa.“ (Xh 34,29-25).


Được gặp nói chuyện với Thiên Chúa trên núi, ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa bao phủ Ông tỏ hiện ra nơi gương mặt của Ông. Ánh sáng đó chiếu tỏa ở bên ngoài thân xác của Ông.

Đang khi Chúa Giêsu không chỉ tiếp nhận ánh sáng từ nơi Thiên Chúa, nhưng chính Chúa Giêsu là ánh sáng.

Khi biến đổi hình dạng trên núi, áo của Chúa Giêsu chiếu tỏa ánh sáng trong sáng như tuyết phủ. Hình ảnh này muốn diễn tả tương lai của con người. Sách Khải Huyền của Thánh Gioan viết thuật lại tấm áo trắng tinh ròng là hình ảnh đời sống trên trời, nơi đó các Thiên Thần của Thiên Chúa và những người được tuyển chọn hưởng ơn cứu độ mặc y phục mầu trắng tinh tuyền. (Kh 7,9.13;19,14)

Y phục của những người được tuyển chọn mầu trắng tinh ròng, vì họ được tắm gội trong máu của Chiên Thiên Chúa (Kh 7,14). Qua làn nước Bí tích rửa tội họ được liên kết gắn bó với sự khổ nạn thương khó. Cuộc khổ nạn thương khó của Chúa Giêsu mang lại sự thanh tẩy và trả lại cho họ tấm áo trắng nguyên thủy tinh tuyền thuở ban đầu (Lc 15,22).

Qua phép Bí tích rửa tội chúng ta cùng được tiếp nhận y phục ánh sáng cùng với Chúa Giêsu, Đấng chính là ánh sáng ơn cứu độ. (Theo Joseph, Ratzinger Benedikt XVI. , JESUS von Nazareth I., Freiburg i. Br. 2007, 9.Kapitel, tr. 356- 359.)

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 

Mầu sắc thiên nhiên là tà áo lộng lẫy thường ngày của Thượng Ðế
_____ _____

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 796

Yesterday 1391

Week 3509

Month 11389

All 413932

Currently are 22 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions