Vào những dịp giỗ chạp, ngày lễ cầu cho các Linh hồn đã qua đời, dịp đầu Năm mới hay dịp nào về thăm quê nhà...chúng ta thường dành thời giờ ra nghĩa trang thăm viếng phần mộ người thân nằm nơi đó.



Nghĩa cử này nói lên sâu đậm tâm tình lòng trung thành và biết ơn của người còn sống với người đã qua đời. Ðến thăm viếng nơi đó, lẽ dĩ nhiên, ta chỉ có thể tâm tình một mình với người nằm chôn sâu kín trong lòng đất. Người đã qúa cố không biết có nghe được ta nói gì không? Ta thì không nghe thấy họ nói gì với ta. Dẫu thế, ta tin là mối dây liên lạc thần giao cách cảm linh thiêng nối kết hai thế giới người chết và người còn sống lại với nhau. Và tấm bia đá đặt dựng trên nấm mộ của họ nói cho ta một vài tâm tình, như nói thay cho người nằm dưới đó:



„Tôi là một tảng đá nặng nề vô hồn được đặt dựng trên nấm mồ của người nằm dưới đây. Tôi không phải là người canh mồ, cũng không phải là vật chắn lối cản trở người khác đến gần nấm mồ đâu.



Người đã qúa cố bây giờ nằm chôn sâu kín trong lòng đất, vâng xương thịt đã tan rã thành bụi đất. Nhưng họ không biến mất hẳn khỏi sân khấu cuộc đời đâu. Tên tuổi, ngày chào đời, ngày sau cùng đời sống và quê quán của họ, và có khi cả hình chụp khi xưa nữa, được đục khắc ghi vào bia đá đây. Dù trải qua năm tháng nắng mưa ở giữa trời, nhưng vẫn còn rõ nét, vẫn đọc được. Bia đá ghi giữ lại căn cước của người qúa.

Tùy theo niềm tin tôn giáo tín ngưỡng, cùng tập tục nếp sống văn hóa con người, mà ngôi nhà nấm mộ người qúa cố được xây dựng trình bày khác nhau. Người Công giáo ngoài viết ghi khắc chân dung cùng căn cước người qúa cố, họ còn khắc vể hình cây thập tự, hình Đức Mẹ hay Thiên Thần thổi loa, hay câu Kinh Thánh và lời cầu nguyện nữa trên tấm bia mộ. 



Cây Thập gía dấu hiệu lòng tin của người qúa cố cũng được đục khắc ghi sâu đậm nét vào bia đá. Cây thập gía không phải là dấu hiệu của sự chết. Nhưng là dấu chỉ lòng tin ơn cứu độ, mà Chúa Giêsu đã đem lại cho con người.

Cây thập gía là biểu hiệu của sự sống. Chúa Giêsu đã chết trên thập gía và đã sống lại. Ngài đã biến đổi cây thập gía thành cây mang lại sự sống ơn cứu độ.

Chắc chắn, trong đời sống ai cũng phải trải qua nhiều giai đoạn lên xuống, đau khổ, hy sinh, thất vọng, bệnh tật đau đớn... Ðó là những giăng ngang lối cuộc đời. Cây thập gía khắc ghi trên phần mộ nói lên: cuộc đời người qúa cố nằm nơi đây không thiếu những bước giăng ngang lối cuộc đời như bao người khác!

Chiều dọc thẳng đứng của cây Thập gía diễn tả sự liên đới giữa Thiên Chúa với người đã qua đời. Và chiều ngang cây thập gía nói lên sự tương quan giữa người qúa cố với người còn đang sống trên trần gian.

Trong đời sống ai cũng phải trải qua nhiều chặng đường thông thường cũng như bất thường. Vì thế:



Xin đừng buồn sầu thất vọng về đời sống, dù khi gặp phải cảnh phức tạp khó khăn. Nhưng hãy vững niềm tin: Thiên Chúa là nguồn hy vọng sẽ vực dậy cho sống lại.

Xin đừng nói mình bị lôi cuốn vào vòng đau khổ bệnh tật. Nhưng hãy vững niềm tin: Thiên Chúa cảm hóa chúc lành cho cuộc đời.

Xin đừng nghĩ rằng bị đẩy xa, bị khinh chê cô đơn trong đời sống. Nhưng hãy vững niềm tin: Thiên Chúa không bỏ rơi ai. Người hằng hướng dẫn đời sống, như người mẹ cầm tay dẫn con mình đi.



Xin đừng cho rằng một mình phải vượt qua những cay đắng trên đường đời. Nhưng hãy vững niềm tin: Thiên Chúa hằng đồng hành giúp đỡ.

Xin đừng định kiến rằng mọi sự chấm dứt với cái chết. Chết là hết! Nhưng hãy vững niềm tin: Không, chết không phải hết. Nhưng là khởi đầu một con đường đời sống mới bên kia thế giới nơi Thiên Chúa, Đấng là nguồn sự sống.

Chính Chúa Giêsu đã trải qua sự chết và đã sống lại. Sự phục sinh sống lại của Ngài là chúc phúc lành cùng niềm hy vọng cho con người!



Tháng tưởng nhớ các Linh Hồn.


Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 

Niềm hy vọng là cây hoa non. Bao giờ cây trổ bông thì chưa biết. Nhưng nhiệm vụ mỗi ngày là phải tưới nước cho cây

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 105

Yesterday 376

Week 996

Month 6049

All 452697

Currently are 9 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions