Theo sử liệu ghi lại Giuse Ratzinger mở mắt chào đời ở thành phố nhỏ Marktl am Inn bên nước Đức ngày 16.04.1927, hôm đó là ngày thứ bẩy tuần thánh. Cuộc đời của Giuse Ratzinger trải qua nhiều chặng đường ơn kêu gọi trước hết trở thành Linh mục của tổng giáo phận Muenchen Freising1951. Sau thời gian làm cha phó, Linh mục trẻ Giuse Ratzinger bước chân theo con đường nghiên cứu trí thức nơi ngưỡng cửa đại học và trở thành Giáo sư thần học ở các đại học Công giáo khác nhau trong nước Đức.
Ngày 25.03.1977 linh mục giáo sư Giuse Ratzinger được đức giáo hoàng Phaolô VI. bổ nhiệm làm Tổng Giám mục tổng giáo phận Muenchen Freising. Rồi sau đó ngày 27.06.1977 được phong tước vị Hồng Y .
Ngày 25.11.1981 đức giáo hoàng Gioan Phaolô II. bổ nhiệm Hồng Y Ratzinger làm Bộ trưởng bộ Tín lý đức tin trong giáo triều Roma. Và ngài phục vụ trong triều đại giáo hoàng Phaolô II. từ đó đến ngày đức giáo hoàng qua đời năm 2005.
Sau khi đức giáo hoàng Phaolô II. qua đời (2005), Hồng Y đoàn của Giáo hội Công giáo Roma đã bầu chọn Hồng Y Giuse Ratzinger làm giáo hoàng kế vị tiếp theo 265. trong Giáo hội Công giáo Roma ngày 19.04.2005.
Ngày 24.02.2013 giáo hoàng Benedictô 16. cho biết thấy mình không còn đủ sức khoẻ thể xác cũng như tâm trí để gánh vác chu toàn trọng trách điều khiển con thuyền Giáo hội Chúa ở trần gian, nên đã tự ý thoái vị từ chức, và lui về sống ẩn dật ở tu viện Mater Ecclesia trong nội thành Vatican. Như thế, thời gian trên ngôi giáo hoàng của ngài kéo dài gần tám năm.
Lui về hưu ngài sống hoàn toàn ẩn dật yên lặng rất ít xuất hiện nơi công chúng, tập trung vào đời sống đọc kinh cầu nguyện. Và đặc biệt tuyệt đối không viết bài sưu khảo nào, nhằm để tránh sự hiểu lầm, đàm tiếu khó dễ cho đức Giáo Hoàng kế nhiệm Phanxicô. Đây là một hy sinh cao cả. Phải, đó là một nếp sống tràn đầy lòng khiêm nhượng của một tâm hồn biết thời điểm giới hạn của mình, và biết tôn trọng người khác. Ngài là người có năng khiếu khác thường về suy tư nghiên cứu thần học, nhất là về các Giáo phụ, và rất thích viết sách báo, viết dễ dàng cùng nhiều, viết mạch lạch trong sáng, lời văn chữ dùng cùng tư tưởng nội dung dồi dào phong phú nghiêm ngặt theo đúng sát phương pháp khoa học lịch sử thần học cũng như kinh thánh.
Thật là một nếp sống khiêm nhường, anh hùng can đảm hơn nữa, tưởng khó có thể!
Sau gần 10 năm sống ẩn dật, ngày 31.12.2022 vị cựu giáo hoàng Benedictô 16. đã nghe tiếng Thiên Chúa gọi từ gĩa trần gian ra đi trở về với Ngài quê hương trên trời, nguồn đời sống mọi loài thụ tạo, sau 95 năm con đường trình trên trần gian.
Nhớ về vị Giáo hoàng qúa cố Benedictô XVI. với tâm tình lòng thành kính yêu mến và rất ngưỡng mộ cảm phục chiều sâu sắc mức độ văn hóa trí thức, mà Thiên Chúa đã ban cho ngài. Đồng thời nhớ đến đời sống của ngài có trí khôn thâm thúy sâu sắc, có chức quyền cao cả trong Giáo hội,và cả ngoài xã hội. Nhưng lại là một con người sống từ tốn khiêm nhường, từ cung cách ăn nói viết lách tới cách sống cư xử.Thật là một người có đời sống đạo đức, có văn hóa tình người.
Khi được bầu chọn làm Giáo hoàng, trước toàn thể dân chúng đón mừng ở quảng trường đền thờ Thánh Phero bên Vatican, cũng như qua màn truyền hình trên toàn thế giới, ngày 19.04.2005, vị tân giáo hoàng Benedictô 16. đã có tâm tình: Các vị Hồng Y của Giáo hội Chúa Kitô đã bầu chọn tôi, một người thợ khiêm hạ vào làm việc trong vườn nho của Chúa.
Đức Giáo hoàng Benedictô 16. là vị Giáo hoàng đầu tiên trong thời kỳ làm giáo hoàng đã viết bộ sách gổm ba quyển về cuộc đời Chúa Giêsu thành Nazareth để lại cho Giáo Hội. Ngay phần phi lộ mở đầu ngài viết tâm tình: Sách tôi viết về Chúa Giêsu Kitô là kết qủa của hành trình nội tâm cùng suy khảo lâu dài của cá nhân tôi. Trong những năm thời 30. và 40. của thế kỷ trước, tôi đã đọc với lòng say mê phấn khởi những tác phẩm thần học viết về Chúa Giêsu Kitô của các nhà thần học danh tiếng như Karl Adam, Romano Guardini, Franz Michel William, Giovanni Panini, Daniel-Rops..và những tác gỉa khác nữa…
Tập sách tôi viết về Chúa Giêsu thành Nazareth không là giáo huấn của Giáo hội. Nhưng duy chỉ là suy tư tìm hiểu nội tâm của cá nhân tôi trong cuộc hành trình đi tìm hiểu khuôn mặt của Chúa (TV. 27,8). Vì thế mọi người được tự do nêu ra ý kiến biện bác phản hồi. Tôi xin cám ơn sự thiện cảm như qùa tặng trước dành cho tôi. Vì không có như thế sẽ không có sự thông hiểu…
Phải, có thể nói được những suy tư, những bài viết, bài giảng của ngài còn để lại khác nào như một kho tàng suy tư thần học của một bậc học gỉa lỗi lạc trong thời hiện đại.
Ngày ngài qua đời là ngày cuối cùng của năm cũ 31.12., ngày này theo lịch phụng vụ Giáo hội là ngày lễ kính Thánh Silveste. Phúc âm ngày lễ kính là đoạn Khởi đầu Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh sử Gioan (Ga. 1,1-18), trong đó có câu: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”.
Đoạn phúc âm khởi đầu này của Thánh Gioan thánh sử, và toàn thể sách phúc âm của Thánh Gioan cao siêu khó hiểu cho mọi người xưa nay. Thánh Giaon thánh sử viết thuật về biến cố Chúa giáng sinh theo cung cách ngôn ngữ văn chương triết học thâm sâu: Ngôi Lời- Logos- Chúa Giêsu- của Thiên Chúa thành người phàm, là ánh sáng cư ngụ giữa con người.
Danh xưng tụng Ngôi Lời- Logos- xưa nay luôn là đề tài khó khăn cho suy tư khảo cứu trong thần học về tương quan giữa đức tin và lý trí của biết bao nhiêu học giả thần học, các Giáo Phụ…để tìm ra manh mối con đường chiết giải cho triết lý thần học thâm sâu này.
Và suốt dọc đời sống mình, từ khi còn là Giáo sư thần học nơi ngưỡng cửa đại học, trên ghế giáo sư, trong thư viện, Giuse Ratzinger đã luôn đầu tư thời giờ cùng tâm trí suy tư khảo cứu về đề tài thâm sâu khúc mắc khó khăn này, nhưng lại luôn thời sự cho đức tin vào Thiên Chúa nơi lý trí giới hạn con người, như đề tài thần học tâm đắc: Đức tin và lý trí.
Trong suốt dọc đời sống khi xưa ở trần gian Giuse Ratzinger, Giáo hoàng Benedictô 16. luôn nói đến điều đó không chỉ theo chiều suy tư khảo cứu về khía cạnh trí thức, nhưng còn với tâm tình xác tín của một lòng tin yêu: Đức tin và lý trí đi đôi với nhau.
“Đức tin đặt căn bản trên suy tư của trí khôn, và làm cho suy tư của trí khôn nên tròn đầy hoàn thiện. Và nhờ đức tin soi dẫn trí khôn tìm được sức mạnh nhận biết về Thiên Chúa cùng những thực tại tâm linh.”
Giáo sư thần học Ratzinger khi xưa đã có suy tư về Logos: ”Thiên Chúa, Đấng là Logos-Ngôi Lời- bảo đảm cho chúng ta sự trong sáng của lý trí trong vũ trụ và cả nơi bản thể tâm tính chúng ta….Và không phải cung cách xử sự theo trí khôn suy nghĩ đi ngược lại hay phủ nhận hành động của Thiên Chúa.”.
Khi sang khánh thành đại thánh đường Sagrada Familia xứ Barcelona, năm 2010, bên nước Tây Ban Nha, Giáo hoàng Benedictô 16. đã có suy tư nói đến thẩm mỹ (vẻ đẹp) và đức tin, thẩm mỹ và sự chân thật: “Anh chị em biết đó tôi luôn luôn đề cập đến mối tương quan giữa đức tin và lý trí. Đức tin Kitô giáo tìm nhận ra căn cước tính của mình khi mở cánh cửa bước sang vùng suy tư của lý trí. Và lý trí cũng trở thành như thế, khi đức tin vượt qúa tầm suy hiểu của lý trí.
Cũng quan trọng như thế về mối tương quan giữa đức tin và nghệ thuật. Vì sự chân thật, đích điểm của lý trí, được diễn tả trong vẻ thẩm mỹ, và sự thẩm mỹ được nổi bật lên, khi hướng chỉ về trong sự chân thật. Như vậy nơi nào có sự chân thật hiện diện, nét vẻ thẩm mỹ xuất hiện nổi lên. Nơi nào con người được thể hiện mình trong cung cách chính thực và tốt lành, họ được phát triển trong nét vẻ thẩm mỹ. Mối tương quan giữa sự chân thật và vẻ thẩm mỹ bền chặt đan chéo vào nhau không huỷ bỏ tháo rời ra được. Và chính vì thế chúng ta cần nét vẻ thẩm mỹ.”.
Là bậc trí thức có tư tưởng thần học cao siêu, nhưng Giuse Ratzinger lại là một người có tâm hồn cùng năng khiếu chơi nhạc cụ và thưởng thức âm nhạc đặc biệt khác thường. Ngài là người chơi đàn Dương cầm điêu luyện. Trên phím đàn dương cầm ngài thường chơi những tấu khúc của nhạc sĩ đại tài Mozart rất thành thạo say mê. Đức cố hồng y Giaokim Meisner đã ví so sánh tư tưởng thần học trong sáng hấp dẫn của ngài như là “thần học nhạc Mozart!”.
Sâu sắc cùng trong sáng hơn nữa, tưởng khó có thể hơn được!
Khi xưa vào ngày Thứ bẩy tuần thánh, 16.04.1927, Giuse Ratzinger đã mở mắt chào đời. Ngày hôm sau là ngày lễ trọng mừng kính Chúa Giêsu phục sinh sống lại từ cõi chết. Sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô khởi đầu sự sống mới ơn cứu chuộc cho linh hồn con người không còn bị hình phạt tội lễ của tội nguyên tổ thống trị nữa, sau khi qua đời.
Trong suốt dọc cuộc đời dân thân cho Giáo hội Chúa ở trần gian từ xứ đạo, nơi ngưỡng cửa đại học, trên bục giảng dậy, những chức vụ cao cả khác nhau từ tòa tổng giám mục Muenchen Freising sang tới tòa thánh Vatican, rồi sau cùng trở thành giáo hoàng, Giuse Ratzinger luôn mang trong tâm hồn hành trình đi tìm thánh nhan Chúa, như ngài viết trong lời phi lộ của bộ sách Chúa Giêsu thành Nazareth do ngài trước tác viết ra. Dù trên cương vị nào, Chúa Giêsu Kitô vẫn luôn là đích điểm cho đời sống. Vì Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Alpha và Omega trong mọi không gian thời gian hôm qua, hôm nay và ngày mai.
Hôm 31.12.2022 cố Giáo Hoàng Benedictô 16., Giuse Ratzinger, đã nhắm mắt từ gĩa trần gian đi trở về quê hương trên trời bên nơi Thiên Chúa, nguồn sự sống. Và ngày hôm sau 01.01.2023 ngày khởi đầu năm mới. Hằng năm vào ngày khởi đầu năm mới Dương lịch, Giáo hội dành tôn vinh kính Đức mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa.
Khi xưa vào ngày 01.01.2008 Đức giáo hoàng Benedictô 16. đã có suy tư tâm tình về tước hiệu Đức mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa:
“Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa là căn bản cho tất cả mọi tước hiệu khác chỉ về Đức mẹ Maria, mà Giáo hội bên Đông phươmg cũng như bên Tây phương từ thế hệ này qua thế hệ khác luôn hằng tôn vinh kính mến cùng liên tục cầu xin khấn nguyện… Đức mẹ đồng trinh Maria, người mẹ đã hạ sinh Con Thiên Chúa. Chúng ta học hỏi nơi mẹ cách thức đón nhận hài nhi Giesu đã sinh ra cho chúng ta ở Bethlehem. Khi chúng ta nhận hiểu ra nơi hài nhi này là Con của Thiên Chúa , và hài nhi là vị cứu tinh duy nhất của con người chúng ta…”.
Thật là một con người có lòng đạo đức chân thành khiêm nhường, lòng kính mến Đức mẹ, mẹ Thiên Chúa!
Trong thánh lễ an táng Đức cố giáo hoàng Phaolô II., ngày 08.04.2005, Đức hồng Y Giuse Ratzinger trong bài giảng đã có tâm tình đạo đức văn hóa lòng hiếu thảo sâu thẳm : Chúng ta không quên vào ngày Chúa nhật lễ Chúa Kitô phục sinh vừa qua, đức giáo hoàng khả kính của chúng ta, Gioan Phaolô II. đã từ cửa sổ dinh thự tông tòa ban phép lành Urbi et orbi lần cuối cho toàn thể Giáo hội. Chúng ta có thể tin chắc rằng hôm nay đức Giáo hoàng khả kính của chúng ta cũng đang đứng tại cửa sổ của Nhà Thiên Chúa trên trời nhìn xuống và chúc lành cho tất cả chúng ta. Vâng, xin Đức Thánh cha chúc lành cho chúng con!
Ngày xưa gần tám năm trong cương vị là Giáo Hoàng của Giáo hội, Đức thánh cha không biết bao nhiêu lần vào những ngày Chúa Nhật, vào những ngày lễ trọng đã từ ban công đền thờ Thánh Phero, từ cửa số dinh tông tòa, nhân danh Thiên Chúa huấn đức suy giảng cùng đọc kinh truyền tin chung với mọi người hiện diện dưới quảng trường đền thờ Thánh Phero, và chúc lành Urbi et orbi cho toàn thể Giáo hội.
Ngày nay nơi Nhà Thiên Chúa trên trời, xin Đức Thánh Cha bầu cử cùng Thiên Chúa tình yêu, nguồn sự sống ban chúc phúc lành cho chúng con còn trên đường lữ hành nơi trần thế.
Và với Đức Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa, xin phù hộ cho không gian cùng thời gian năm mới chúng con được sống trong bình an.
Kỷ niệm một năm đức cố Thánh Cha Benedictô 16. qua đời 2022 - 31.12.2023
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Foto von Wici - Eigenes Werk, Gemeinfrei, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=3295105