Nghi thức rửa tội cho người „tân tòng“, nghĩa là người lớn thường được bắt đầu như sau:

Chủ Tế: Ông (bà, anh, chị, em, con) xin gì cùng Hội Thánh Chúa?
Người chịu phép: Thưa con xin Ðức Tin.
Chủ Tế: Ðức Tin sinh ơn ích gì cho ông (bà, anh, chị, em, con)?
Người chịu phép: Thưa Ðức Tin đem lại cho con sự sống đời đời.

Vậy, đức tin là gì và đem lại sự sống đời đời như thế nào ?

Đức tin là niềm xác tín vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng vũ trụ và vào Chúa Kitô, Đấng đã hóa thân làm người và dùng cái chết để cứu chuộc nhân loại. Nhưng nếu chỉ xác tín như vậy thôi thì đức tin chưa hẳn sẽ đem lại sự sống đời đời. Chúa đã bảo: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi“ (Mt. 7, 21).

Đúng vậy, điều đem lại sự sống đời đời là tin và thực hành điều mình tin. Thực hành là giữ đúng luật và giáo lý hội thánh, lãnh nhận các bí tích, sống đúng với lương tâm, yêu thương, tha thứ, bác ái với tha nhân v.v…Thánh Giacôbê nói: „đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết“ (Gc. 2, 17).

Hầu hết con người sống ở trần gian ai cũng có một đức tin, chỉ khác một điều là mỗi người đặt niềm tin vào một đấng khác nhau. Trước đây người công giáo chúng ta hay nói người này người kia không có đạo, hoặc những người lớn được rửa tội vào đạo là người ấy „trở lại đạo“. Nói như vậy hoàn toàn sai và e rằng họ cảm thấy bị xúc phạm, vì thực tế họ có đạo nhưng chỉ là đạo khác mình thôi.

Những người được rửa tội để trở thành người Kitô giáo thì nên nói là họ „gia nhập“ đạo chứ không thể nói họ trở lại, vì họ chưa từng ở trong đạo công giáo hoặc đã ra khỏi đạo. Tại các xứ Âu Châu thì có những trường hợp người ta ra khỏi đạo rồi một thời gian lại xin nhập lại đạo, như vậy nói là họ trở lại đạo thì có phần đúng.

Đoạn Tin Mừng tuần này nói về lòng tin của thánh Tôma. Chúa Giêsu nói với ông Tôma: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin" (Ga. 20, 29). Đọc qua câu này chúng ta bảo đức tin của ông Tôma kém quá. Vậy đức tin của chúng ta thì sao ?

Bàn về niềm tin ở đời thì thật khó. Ai nói gì mình cũng tin người ta bảo mình nhẹ dạ cả tin, nếu không tin người ta bảo mình cứng lòng tin. Thời đại nào và xã hội nào cũng đầy dẫy những xảo trá, lọc lừa, những bất trung, bất nghĩa, bất tín. Vì lợi ích cá nhân con người tìm đủ mọi cách để lừa gạt nhau, đánh mất niềm tin vào nhau. Giữa một xã hội người ta không còn biết tin ai. Do đó, để tin nhau người ta thường đòi hỏi phải có bằng chứng cụ thể.

Ông Tôma đã đòi được xem thấy Chúa, được nhìn thấy các lỗ đinh và ngay cả được thọc tay vào đó thì mới tin. Xem ra ông cũng cứng lòng thật, nhưng điều đó chẳng có gì khó hiểu.

Những người biệt phái đã thách thức xin Chúa Giêsu làm một phép lạ để họ tin nhưng Chúa Giêsu bảo họ: „Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na."(MT. 16, 4). Ngay cả khi Chúa bị treo trên thập giá người ta còn thách thức: „Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền“ (Mt. 27, 42).

Tại sao Chúa bảo: „Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". Liệu như vậy có dễ dãi quá không ? Ở đây, chúng ta cần phân biệt niềm tin giữa con người với Thiên Chúa và niềm tin giữa con người với nhau. Con người với nhau vì những lý do kể trên người ta cần phải có bằng chứng „nghe tận tai nhìn tận mắt“ thì mới đáng tin.

Nhưng, Thiên Chúa là Đấng trọn hảo, nơi Ngài mọi điều là tuyệt đối không có xảo trá gian dối, không có bất tín lọc lừa. Do đó, đặt niềm tin vào Chúa phải là niềm tin tưởng tuyệt đối không hoài nghi, không cần chứng cứ, không cần „thấy mới tin“.

Chúa đòi hỏi chúng ta phải có lòng tin mạnh mẽ như ông Abraham đã tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa nên đã không tiếc chính đứa con trai duy nhất của mình để sẵn sàng làm vui lòng Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta vốn là con người yếu đuối niềm tin của chúng ta rất dễ bị chao đảo bị mất thăng bằng và có khi bị sụp đổ do bị chi phối bởi cuộc sống ngày càng phức tạp với nhiều cạm bẫy của ma quỷ nhằm chia rẽ con người với Thiên Chúa và con người với nhau.

Thánh Phêrô là người được mệnh danh là đá mà cũng có lúc niềm tin bị chao đảo như khi Chúa cho ông đi trên mặt nước, một chút sóng gió đã khiến ông mất niềm tin và sắp bị chìm. Những lúc gặp khó khăn thử thách trong cuộc sống như đau yếu bệnh tật, làm ăn thất bại, bị người đời hất hủi bỏ rơi v.v… chúng ta cầu xin Chúa nhưng không được nhận lời chúng ta rất dễ mất niềm tin vào Chúa, oán giận Chúa, phản bội Chúa.

Có khi nào chúng ta tự hỏi đã làm gì sáng danh Chúa chưa, những điều chúng ta cầu xin có đẹp lòng Chúa không ? Có lẽ tám chín phần mười chúng ta chỉ cầu xin những gì có lợi cho chúng ta mà thôi. Có lần Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? . . . " (Mt. 20, 22).

Thế giới ngày nay với đời sống văn minh tân tiến người ta cũng đang mất dần sự tin tưởng vào quyền năng của Đấng mà họ đã tôn thờ. Họ cũng muốn nhìn thấy Thiên Chúa hiện diện bằng xương bằng thịt ngay giữa họ thì họ mới tin.

Lạy Chúa, xin củng cố niềm tin của chúng con được mạnh mẽ, để dù không thấy chúng con vẫn xác tín rằng Chúa luôn hiện diện bên con.

Đỗ Văn Thục

(CN 02 phục sinh)

 

Nụ cười là nụ hoa của lòng người.

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 217

Yesterday 380

Week 1268

Month 8454

All 319098

Currently are 12 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions