Vâng lời là một nhân đức quí trọng và luôn được đề cao. Khi còn nhỏ chúng ta luôn được dạy phải vâng lời: trong gia đình, nơi trường học, nơi xứ đạo … nói chung dù bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, ở địa vị nào người ta cũng đánh giá rất cao về sự vâng lời.

Trong gia đình vâng lời thể hiện sự kính trọng của con cháu đối với ông bà, cha mẹ hoặc của người dưới đối với người trên. Vâng lời còn là biểu lộ lòng thảo hiếu, lòng yêu mến, là hành động đem lại hạnh phúc cho cả người trên lẫn kẻ dưới. Con cái biết vâng lời là niềm an ủi, là niềm vui, là niềm tự hào của cha mẹ và là hạnh phúc của gia đình.

Vâng lời còn là nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa từ ngàn xưa. Không chỉ trong gia đình mà cả ngoài xã hội đâu đâu người ta cũng truyền dạy về sự vâng lời. Vâng lời còn là kỷ luật để giúp cho cuộc sống được hài hòa ổn định. Không có sự vâng lời mọi sinh hoạt, mọi trật tự xã hội sẽ bị đảo lộn, thế giới sẽ rối loạn không bình an, cuộc sống của mọi người sẽ căng thẳng, xáo trộn.

Các tổ chức, các đoàn thể, các đảng phái chính trị, quân đội v.v… đều chú trọng đến sự vâng lời, vì có sự vâng lời thì mọi công việc mới được thi hành nghiêm chỉnh và đem lại kết quả. Nơi mà sự vâng lời phải được thực thi tuyệt đối nghiêm chỉnh đó là trong quân đội. Người ta thường mệnh danh kỷ luật trong quân đội là „kỷ luật sắt, quân lệnh như núi“.

Trong các chủng viện, các dòng tu sự vâng lời là điều rất quan trọng, là chuẩn mực, là thước đo đạo đức của chủng sinh, tu sinh, tập sinh v.v… Ai không vâng lời là dấu chỉ không có ơn gọi và sẽ được mời ra khỏi nhà dòng, chủng viện. Các linh mục trong ngày lễ truyền chức hay các nữ tu trong lễ tuyên khấn một trong những điều phải tuyên hứa đó là đức vâng lời.

Chúng ta thường nghe câu nói: „Vâng lời trọng hơn của lễ“. Đúng vậy, chúng ta thử tưởng tượng nếu các giám mục không vâng lời, không phục tùng Đức Thánh Cha, các linh mục tu sĩ nam nữ không vâng lời bề trên hay giám mục bản quyền, ai cũng làm theo ý riêng mình thì thử hỏi trật tự và những sinh hoạt trong giáo hội sẽ như thế nào.

Trên đời này có hằng hà sa số những câu chuyện, những gương tuyệt vời về sự vâng lời. Nhưng mẫu gương trước hết, trên hết, tuyệt vời nhất và trọn hảo nhất đó là mẫu gương vâng lời của chính Chúa Giêsu và của Đức Trinh Nữ Maria. Trong những ngày này để chuẩn bị bước vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu chúng ta cùng nhau suy tư về thái độ vâng phục của Chúa Giêsu và của Đức Trinh Nữ Maria như thế nào.

Mầu nhiệm nhập thể là mẫu gương vâng lời đầu tiên của Chúa Giêsu. Để thực hiện chương trình cứu độ loài người Thiên Chúa đã sai chính con một Ngài là Đức Giêsu xuống thế để thi hành. Chúa Giêsu đã vâng lời Đức Chúa Cha và đã thi hành điều đó. „Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế“. (Pl. 2, 6-7).

Chúa Giêsu đã vâng lời Đức Chúa Cha trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, nhập vào thế gian qua cung lòng Đức Trinh Nữ Maria để trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Sự vâng lời cao trọng là dường nào. Chúng ta vừa mừng trọng thể biến cố lễ truyền tin. Trong bài Tin Mừng chúng ta được nghe lời của Đức Mẹ: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". (Lc. 1, 38). Một lời nói ngắn gọn nhưng đã gói trọn tâm tình vâng phục tuyệt đối của Đức Mẹ.

Lời nói „xin vâng“ của Đức Mẹ chắc chắn không phải là lời nói đơn giản, vì Đức Mẹ biết rõ rồi đây sẽ phải đối diện với nhiều nghịch cảnh, khó khăn. Cuộc đời sẽ có những lo toan vất vả, những phiền muộn và cả những đau đớn phải gánh chịu như tiên tri Simeon đã từng báo trước: “ Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà." (Lc. 2, 34-35).

Thế nhưng, Đức Mẹ đã nói „xin vâng“ nghĩa là Đức Mẹ sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì sẽ xẩy đến, cả những đau khổ mà Đức Mẹ sẽ phải gánh chịu. Chỉ một lần nói xin vâng nhưng Đức Mẹ đã sống cả cuộc đời xin vâng cho đến lúc được an nghỉ.

Còn buồn phiền lo lắng nào hơn khi bụng mang dạ chửa, đứa con cưu mang sắp sửa chào đời mà không tìm được một chỗ tương đối thuận tiện cho cả mẹ và con, để cuối cùng cả hai phải chịu giá rét thiếu thốn trong chuồng bò. Đức Mẹ đã âm thầm „xin vâng“ không nửa lời than trách và chỉ ghi nhớ những sự việc đó trong lòng. „Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng“ (Lc. 2, 19).

Rồi khi con trẻ chưa đủ lớn Đức Mẹ đã phải lặn lội đường xa đem con trốn sang nước láng giềng Ai Cập để bảo toàn tính mạng cho con trẻ. Đường xa van dặm gập gềnh sỏi đá hoặc sa mạc nắng cháy mà phương tiện chỉ có một con lừa giúp mang hành lý. Hành trình gian truân như thế Đức Mẹ đã vui lòng „xin vâng“.

Được trở về xứ sở và suốt thời gian sống tại Nazareth cho đến khi Chúa Giêsu trưởng thành chắc chắn không thiếu những khó khăn tinh thần cũng như vật chất cho một gia đình nhỏ và nghèo hèn như thế. Đức Mẹ đã một lòng „xin vâng“.

Tâm tình „xin vâng“ cuối cùng của Đức Mẹ mới thật là cao cả và trọn vẹn khi nhìn thấy con mình bị hành hạ, bị đóng đinh. Một lưỡi gươm đã đâm thâu tâm hồn Đức Mẹ đúng như lời tiên tri Simeon loan báo. Và còn lời „xin vâng“ nào đẹp hơn khi Đức Mẹ chấp nhận lời trăn trối của Chúa Giêsu trước khi trút hơi thở cuối cùng : "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." (Ga. 19, 26-27).

Còn Chúa Giêsu thì sao ? Trong thư của thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Philipphê đã nói rõ: „Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.“ (Pl. 2, 8).

Ngay từ lúc mười hai tuổi Chúa Giêsu đã sống và thực hành đức vâng lời trong gia đình: „Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài.“ (Lc. 2, 51). Mỗi con người chúng ta đều trải qua thời gian thơ bé, tuổi ấu thơ, tuổi thiếu niên . . . Tuổi thơ và tuổi thiếu niên là tuổi đẹp, tuổi thần tiên, tuổi được nâng niu chiều chuộng. Vì được chiều chuộng nên hay tỏ ra bướng bỉnh, ương ngạnh không chịu vâng lời.

Mặc lấy thân phận con người chắc hẳn Chúa Giêsu cũng khó tránh được những ý riêng của tuổi trẻ. Nhưng Ngài đã vượt qua được để trở nên con người hoàn thiện về đức vâng lời. Câu nói:“ và hằng vâng phục các ngài“ chứng minh cho chúng ta điều đó.

„Vâng lời“ quả thực là một nhân đức cao quí. Tuy nhiên, sống khiêm tốn vâng lời nhiều khi cũng không hoàn toàn dễ, vì có những lúc „cái tôi“ trong người chúng ta trổi lên mạnh quá không chấp nhận được điều mình phải thi hành. Vì thế, sống nhân đức vâng lời chúng ta cần phải học hỏi trau dồi và có khi phải trả giá. Chúng ta hãy nghe:“ Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người „(Dt. 5, 8-9).

Sự vâng phục quả nhiên đòi hỏi phải có nghị lực và cố gắng. Chúa Giêsu trước khi thi hành sứ vụ quan trọng và cao cả nhất cũng bị chao đảo, dằn vặt, cầu xin Chúa Cha có thể miễn cho sự vâng lời không. "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha." (Lc. 22, 42). Và sự chao đảo sợ hãi đến nỗi „mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất“ (Lc. 22, 44).

Chúa Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục là thế đấy. Sự vâng phục của Chúa Giêsu đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho chúng ta và là mẫu gương vâng lời trọn hảo mà chúng ta cần noi theo.

Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta học được bài học vâng phục nơi Chúa Giêsu và Mẹ Maria và đem áp dụng trong đời sống. Dù sự vâng phục sẽ phải trả giá bằng đau khổ nhưng chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc cho chính bản thân chúng ta và cho mọi người.

Đỗ Văn Thục

(Lễ Lá 2021)

 

Cuộc đời là một ván cờ. Dám chơi chấp, bạn là người cao tay. Có thua, cũng danh dự.
_____ _____

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 462

Yesterday 546

Week 1972

Month 10425

All 309808

Currently are 85 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions