Tôn giáo nào cũng cố gắng xây dựng những đền thờ để các tín đồ có một nơi nghiêm trang xứng đáng để thờ phượng Đấng mà họ tôn thờ. Đền thờ có đủ mọi hình dáng, đủ mọi kích cỡ, đủ mọi cách trang hoàng tùy theo nhu cầu, tùy theo phong tục hoặc ý nghĩa của từng tôn giáo.

Bất cứ đền thờ nào cũng là nơi linh thiêng phải được gìn giữ trang nghiêm, trật tự. Ngày nay khắp nơi trên thế giới dù là khách hành hương hay khách du lịch khi vào thăm viếng các đền thờ đều được nhắc nhở giữ trang nghiêm. Ngay cả việc nói chuyện ồn ào hoặc ăn mặc không kín đáo hoặc chụp hình nhốn nháo cũng bị nghiêm cấm. Ấy thế mà trong bài tin mừng Chúa nhật thứ ba mùa chay thánh sử Gioan đã thuật lại dân Do Thái thời đó đã đem cả chim chóc thú vật vào đền thờ, biến đền thờ Giêrusalem thành nơi buôn bán chả trách Chúa Giêsu nổi giận.

Sơ lược về đền thờ Giêrusalem.

Đền thờ Giêrusalem có một lịch sử rất dài với biết bao thăng trầm. Cho đến bây giờ đền thờ Giêrusalem tuy không còn là đền thờ nguy nga tráng lệ nhưng những gì còn lại vẫn là một biểu tượng rất tự hào của dân tộc Do Thái.

Ngay từ thế kỷ thứ 10 trước công nguyên vua David đã có ý định xây dựng một đền thánh để thờ phượng thiên Chúa nhưng Thiên chúa đã ngăn cản không cho xây vì ông gây chiên tranh.
Đến khoảng năm 967 trước công nguyên con của vua David là Salomon đã xây một đền thờ rất nguy nga lộng lẫy trên đồi Moriah là nơi ông Abraham đã định tế lễ cho Thiên Chúa bằng chính con một mình là Isaac. Bảy năm sau vua Salomon đã cung hiến đền thờ với mọi lễ vật quí giá.

Nhưng cuối cùng vua Salomon cũng trở mặt cùng Thiên Chúa đi tôn thờ các thần ngoại để rồi khi ông qua đời vào khoảng năm 930 trước công nguyên vương quốc của ông bị phân đôi và đền thờ qua nhiều thế kỷ bị biến đổi rồi trở thành nơi thờ phượng các thần ngoại.

Khoảng 4 thế kỷ sau vua của Babylon là Nebuchanezza sang xâm chiếm và phá hủy hoàn toàn đền thờ mà vua Salomon đã xây dựng.

Khoảng năm 538 trước công nguyên một đền thờ mới được khởi công xây dựng dưới thời vua Zorobabel. Sau nhiều lần bị bỏ dở rồi lại tiếp tục, đền thờ đã được thánh hiến vào khoảng năm 515 trước công nguyên.

Sau này Giêrusalem lại bị quân Roma thôn tính và vua Herode đại đế đã cho xây lại đền thờ của vua Zorobabel vào khoảng năm 20 trước công nguyên nhằm hòa giải với dân tộc Do Thái.

Phần cực thánh của đền thờ đã được hoàn thành với thời gian kỷ lục 18 tháng. Nhưng những phần phụ khác đã phải kéo dài tới khoảng năm 64 sau công nguyên.

Rồi đúng như lời Chúa Giê-su cảnh báo : sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Năm 70 sau công nguyên vị tướng của La Mã là Titus đem quân vây hãm và phá hủy đền thờ bình địa chỉ để lại ba lều tháp và một bức tường, để cho hậu thế thấy sự kiên cố của thành đã bị phá hủy. Ngày nay những ai có dịp hành hương Đất Thánh có thể thấy được những tảng đá khổng lồ ở một góc chân tường như Chúa Giê-su đã ví Ngài là „tảng đá góc tường“.

Vì thời xưa chưa có kỹ thuật hiện đại nên các công trình đồ sộ như các đền thờ đòi hỏi thời gian xây dựng rất lâu. Đền thờ Giêrusalem thuở xưa được xây dựng 46 năm so ra cũng chưa phải là nhiều. Đền thờ thánh Phêrô ở Roma đã phải mất 120 năm (từ năm 1506 – 1626) để hoàn thành, nghĩa là hơn một đời người.

Đền thờ dù có to lớn nguy nga lộng lẫy đến đâu chỗ dành cho Chúa ngự gọi là „nhà tạm“ cũng chỉ vỏn vẹn vài chục phân vuông, vì thế dù chỉ là một nhà nguyện nhỏ xíu cũng vẫn thừa chỗ dành cho Chúa.

Các đền thờ đây đó trên thế giới mà chúng ta biết cũng chỉ là những đền thờ vật chất. Có một đền thờ nguy nga tráng lệ mà chắc chắn Chúa thích ngự ở đó hơn. Đó là đền thờ trong lòng mỗi người chúng ta. Chỉ có điều chúng ta có muốn mời Ngài ngự vào hay không thôi.

Chúa Giê-su đã nổi giận vì người Do Thái đã biến „nhà của Cha“ thành nơi buôn bán. Còn „nhà Cha“ trong lòng chúng ta thì sao ? Có sạch sẽ khang trang không hay cũng như một cái chợ trời với đầy đủ các mặt hàng được rao bán chào mời.

Có lẽ cũng rất nhiều khi Chúa không được hài lòng khi muốn bước vào đền thờ lòng chúng ta vì thấy ngổn ngang những bàn đổi tiền của ganh tị vật chất, của ham mê tiền tài danh vọng, hay bừa bãi những quầy buôn bán chim chóc thú vật của đam mê dục vọng, của những gian dối ích kỷ, của những thú vui trần tục v.v…

Rất nhiều khi vì mặc cảm đền thờ trong ta không sạch sẽ không trật tự nên ta ngại không muốn mời Chúa vào. Hay nhiều khi chúng ta không muốn mời Chúa vào vì sợ Ngài sẽ làm phiền chúng ta. Nhưng đừng quên Chúa luôn chờ đợi và mong muốn được mời đến chỉ cần chúng ta sẵn lòng.

Như đã nói người ta thi nhau xây dựng những đền thờ to lớn nguy nga lộng lẫy nhưng Chúa chỉ thu mình trong một góc nhà tạm nhỏ xíu và ngày này sang ngày khác có khi chẳng có ai viếng thăm, nếu có cũng chỉ một chốc lát. Chúng ta có tưởng tượng được và có cảm thông được cho sự cô đơn của Chúa không.

Chúng ta nghe Chúa bảo: „Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng“. Nhưng còn một bài học quí giá khác nữa mà Chúa ngại chẳng nói ra, đó là bài học „kiên nhẫn“. Chúa không những hiền lành, khiêm nhường mà nhất là rất kiên nhẫn. Dù Chúa cô đơn trong nhà tạm ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác nhưng Chúa mãi mãi chẳng than phiền, chẳng trách móc và mãi mãi Chúa vẫn kiên nhẫn đợi chờ chúng ta đến viếng thăm hoặc mời Ngài vào đền thờ là lòng ta.

Đền thờ vật chất dù lộng lẫy kiên cố đến đâu rồi cũng có lúc bị tàn phá không thương tiếc. Đền thờ trong lòng chúng ta thì chẳng ai, chẳng thế lực nào phá hủy được duy chỉ chính chúng ta tự phá hủy mà thôi. Mong rằng chúng ta cố gắng chăm sóc, bảo trì đền thờ tuy nhỏ bé nhưng rất khang trang của chính chúng ta, đừng để một ngày nào đó „sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào“ thì thật uổng lắm.

Để chuẩn bị tham dự vào cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Chúa, trong mùa chay thánh này chúng ta hãy cố gắng dẹp bỏ những thú vật hôi hám, những quầy đổi tiền bất chính ra khỏi lòng, để tâm hồn chúng ta luôn là đền thờ được trang hoàng lộng lẫy xứng đáng cho Chúa ngự vào.

Đỗ Văn Thục

(CN 3 mùa chay)

 

Hy vọng rất đẹp, vì hy vọng là thời ươm nụ của môt bông hoa sắp nở.

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 95

Yesterday 409

Week 1601

Month 6184

All 316828

Currently are 14 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions