Theo luật Môsê thời đó Đức Mẹ đã đem Chúa Giê-su lên đền thờ để hiến dâng cho Thiên Chúa, vì Chúa Giê-su là con trai đầu lòng, là người thuộc về Thiên Chúa . Nhưng sự dâng hiến này mới chỉ là khởi đầu cho cuộc hiến tế sau này của chính Chúa Giê-su. Ông Simêon đã loan báo cho Đức Mẹ về cuộc hiến tế này như sau: "Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!" (Lc. 2, 34-35)

„Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà“ ông Simêon muốn nói Đức Mẹ sẽ phải chứng kiến cái chết đau thương của Chúa Giê-su sau này. Có lẽ Đức Mẹ hiểu được điều này nhưng vì Đức Mẹ luôn khiêm nhường, kín đáo chấp nhận như trước đó Đức Mẹ đã từng nói „xin vâng“.

Dâng hiến ở đây được hiểu là người dưới dâng tặng người trên. Sự dâng tặng của người dưới là sự biểu lộ lòng kính trọng, lòng hiếu thảo, lòng biết ơn đối với người trên. Sự hiến tặng chỉ giá trị khi người dâng tặng hoàn toàn tự nguyện. Người tự nguyện hiến tặng trong lòng cảm thấy vui khi được người khác đón nhận. Trường hợp „bị“ bắt buộc hiến tặng thì trong lòng người hiến tặng không những không vui mà có khi còn oán hận. Chẳng hạn sau năm 1975 rất nhiều người „phải“ hiến tặng nhà cửa, ruộng đất, tài sản, những cơ sở cộng đồng v.v…Những trường hợp này người nhận hài lòng nhưng người bị ép buộc hiến tặng thì trong lòng đau xót oán hận.

Sự hiến tặng giá trị hơn nữa khi người hiến tặng tự nguyện cho đi những gì quý giá nhất của mình mà không đòi hỏi điều kiện. Abraham đã dâng hiến chính con một yêu quý của mình là Isaac cho Thiên Chúa. Thiên Chúa đã rất hài lòng về ông và đã phán: "Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc! " (Stk. 22, 12). Bà góa phụ nghèo chỉ bỏ vào thùng dâng cúng ở đền thờ một đồng bạc nhưng Chúa Giê-su bảo bà đã bỏ nhiều nhất vì đó là tất cả tài sản mà bà có. "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình." (Mc. 12, 43-44).

Dâng hiến, dâng tặng là biểu lộ lòng thành, là chấp nhận hy sinh, chấp nhận thiệt thòi về mình. Những sự dâng hiến có giá trị đều phát xuất từ tình yêu. Khi yêu người ta chấp nhận cho đi tất cả cho dù là mạng sống. Abraham đã dám hy sinh chính con một của mình, bà góa nghèo đã dám hy sinh đồng bạc duy nhất của mình. Những người không có lòng thành, không có tình yêu mến chắc chắn không thể làm được.

Nhưng, cao trọng và giá trị nhất đó là sự dâng hiến của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã trao ban tình yêu cho nhân loại bằng cách dâng hiến cả cuộc đời với sau cùng là cái chết đau thương trên thập giá làm của lễ toàn thiêu dâng lên Chúa Cha. Giá trị cuộc hiến tế của Chúa Giê-su đã vượt trội trên mọi cuộc hiến tế, bởi nhờ cuộc hiến tế của Chúa Giê-su mà tội lỗi nhân loại được xóa bỏ, loài người đã thoát được án phạt đời đời. Điều này đã làm đẹp lòng Đức Chúa Cha.

Học được từ Chúa Giê-su các tông đồ cũng đã hiến dâng cả cuộc đời, hy sinh từ bỏ tất cả để lên đường rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc theo lệnh truyền của Chúa Giê-su. Các linh mục, tu sĩ nam nữ hiện giờ cũng là những người tự nguyện hiến dâng cuộc đời mình để tiếp nối truyền thống của Chúa Giê-su và các tông đồ.

Chúng ta, những người giáo dân bình thường có bổn phận nâng đỡ tinh thần và cầu nguyện cho tất cả những người sống cuộc đời tận hiến, để cuộc đời và những công việc của họ sẽ là cuộc hiến tế có giá trị đem nhiều ích lợi cho giáo hội và các linh hồn.

Đỗ Văn Thục

Lễ Đức Mẹ dâng con vào đền thánh 02.02.2021

 

Ðời là một bông hồng có gai. Nếu yêu hồng thì đừng sợ gai. Nếu sợ gai thì đừng ghét hồng

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 346

Yesterday 334

Week 1017

Month 8203

All 318847

Currently are 13 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions