Khẩu trang có từ lúc nào ?

Khẩu trang được biết đến với hình thức một mặt nạ hình đầu chim có chiếc mỏ nhọn vào thế kỷ thứ 17. Thời gian đó tại Âu Châu lan tràn bệnh dịch hạch rất khủng khiếp. Hằng triệu người đã bỏ mạng vì những trận dịch này. Nền y học thời đó còn rất thô sơ người ta chưa tìm ra được nguyên nhân của căn bệnh này, do đó cũng không tìm ra được phương pháp điều trị. Các thầy thuốc thời đó phải tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân. Để bảo vệ cho mình họ đã nghĩ ra cách làm một chiếc mặt nạ bằng da với hình đầu chim với chiếc mũ rộng vành và một áo choàng dài từ cổ đến chân.

Các thầy thuốc lúc đó nghĩ rằng mùi hôi thối hoặc không khí bẩn được phát xuất ra từ những xác chết hoặc những khí độc được bốc lên từ lòng đất có thể gây bệnh. Do đó, trong mặt nạ họ bỏ vào các loại thảo mộc có mùi thơm với hy vọng có thể khử độc và làm sạch không khí. Mặt nạ đó chính là ý tưởng đầu tiên về việc sử dụng một công cụ để chống lại sự truyền nhiễm qua đường hô hấp. Tuy nhiên, công cụ đó đã không được nhiều người ưa chuộng và không phát triển được rồi dần dần bị biến mất vào thế kỷ 18.

Đến cuối thế kỷ 19 nhà vi sinh vật học người Đức là Carl Flügge phát hiện ra trong nước bọt có chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh và có thể phát tán ra khi người ta ho hoặc nhảy mũi… Nhờ kiến thức này, năm 1897 bác sĩ Johann Mikulicz, trưởng khoa phẫu thuật của Đại học Breslau (nay là Warsaw, Ba Lan) và bác sĩ người Pháp Paul Berger đã là hai nhà phẫu thuật đầu tiên đeo khẩu trang trong lúc làm phẫu thuật để tránh vi khuẩn có thể xâm nhập vào vết mổ của bệnh nhân.

Bác sĩ Berger đã chế ra chiếc khẩu trang có nhiều lớp che kín từ mũi trở xuống. Như vậy, khẩu trang được xuất hiện trở lại nhưng với một hình dạng đơn giản hơn so với chiếc mặt lạ lúc ban đầu. Tuy nhiên, khẩu trang này cũng không tránh khỏi bị tranh luận, chê bai hoặc hoài nghi về công dụng của nó. Nhưng dần dần càng được giới y sĩ chú ý, sử dụng và phổ biến rộng rãi. Một nghiên cứu cho thấy vào năm 1923 đã có hai phần ba các bác sĩ đeo khẩu trang trong lúc phẫu thuật và từ năm 1935 hầu hết đều sử dụng khẩu trang.

Mục đích và sự phát triển của khẩu trang

Như đã nói các bác sĩ đeo khẩu trang trong lúc phẫu thuật nhằm mục đích tránh sự xâm nhập của vi trùng từ hơi thở, khi ho hoặc nhảy mũi của mình vào vùng phẫu thuật của bệnh nhân. Ngoài các nhà phẫu thuật dân chúng cũng thường sử dụng khẩu trang nhằm mục đích chống bụi, chống khí độc đặc biệt tại những nơi không khí bị ô nhiễm nặng.

Tại Việt Nam từ những năm được gọi là đổi mới, kinh tế dần dần phát triển xe gắn máy ồ ạt tràn vào và trở thành phương tiện di chuyển tối cần thiết của dân chúng. Đường phố càng ngày càng đông nghẹt xe đủ loại khiến bầu khí bị ô nhiễm nặng. Mọi người ra khỏi nhà là phải đeo khẩu trang.

Tuy thế, qua hằng bao nhiêu thế kỷ có lẽ kể từ khi loài người xuất hiện trên mặt đất đến giờ chưa có thời đại nào khẩu trang lại trở thành một công cụ thiết yếu như lúc này. Từ một năm nay hiện tượng đeo khẩu trang trở thành một „mốt“ (mode) bất đắc dĩ của thời đại.

Từ già đến trẻ, từ những người đứng đầu giáo hội đến giáo dân, từ những nhà lãnh đạo các quốc gia đến dân thường, từ người có quyền thế đến kẻ vô danh tiểu tốt, từ người giàu đến kẻ nghèo, nói chung đủ mọi thành phần trong xã hội ai ai cũng bị lôi cuốn vào „thời trang“ chẳng mấy thích thú của đầu thế kỷ 21 này. Chẳng ai cảm thấy thoải mái thích thú khi đeo khẩu trang, nhưng „mốt“ đeo khẩu trang đã bị cưỡng bức khắp mọi nơi: trên máy bay, xe lửa, xe buýt, những nơi công cộng, mua bán… thậm chí len lỏi cả vào thánh đường, trường học. Nói chung chẳng trừ nơi chốn nào.

Dù không muốn, ai ai cũng phải trang bị cho mình một khẩu trang để giúp mình và giúp người tránh được sự đe dọa của một sinh vật chẳng ai thấy chẳng ai sờ mó được nhưng lại có thể cướp mạng người như chơi.

Từ ngày „mốt“ đeo khẩu trang xuất hiện, khẩu trang đã trăm hoa đua nở thi nhau ra đời với đủ mọi hình dáng, đủ kiểu, đủ màu sắc, mọi kích cỡ và đủ loại phẩm chất. Từ ngày cả thế giới bị Covid đe dọa nhiều người bị thất thu vì không có việc làm, nhưng có lẽ nhiều người lại có cơ hội ăn nên làm ra nhờ sản xuất khẩu trang.

Khẩu trang cho linh hồn

Vì đại dịch lan tràn gây nguy hiểm, khẩu trang là một công cụ thiết yếu để ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể, nghĩa là để bảo vệ sự sống của thân xác. Vậy, sự sống của linh hồn có cần được bảo vệ không và có loại khẩu trang nào để bảo vệ linh hồn không ?

Trong suốt cuộc sống thân xác của chúng ta luôn bị các loại vi khuẩn tấn công. Những lúc sức đề kháng trong cơ thể chúng ta mạnh vi khuẩn sẽ bị suy yếu và bị tiêu diệt, ngược lại khi nào cơ thể chúng ta bị suy yếu sẽ bị vi khuẩn đánh bại. Lúc đó chúng ta sẽ phải đối diện với bệnh tật và có khi dẫn đến tử vong.

Song song với thể xác linh hồn chúng ta cũng luôn luôn bị tấn công bởi những loại vi khuẩn rất độc hại. Những loại vi khuẩn độc hại này do chính ma quỷ chủ trương và tìm cơ hội để đưa chúng xâm nhập vào tâm hồn ta. Sự kiêu ngạo, coi thường và chống lại Thiên Chúa, ích kỷ, đam mê, dục vọng, danh lợi, tiền bạc, dâm dục, lười biếng v.v… là những loại vi khuẩn làm suy yếu và tàn phá sức đề kháng của chúng ta là đức tin.

Vậy, chúng ta cần có loại khẩu trang nào để chống lại sự xâm nhập của những loại virus này ? Thưa: đó là loại khẩu trang KMC, nghĩa là Kinh Mân Côi.

- Kinh Mân Côi là khí giới mạnh nhất có khả năng chống lại sức tàn phá khủng khiếp của ma quỷ.

- Kinh Mân Côi là phương tiện đánh đuổi ma quỷ.
- Kinh Mân Côi sẽ là áo giáp đầy uy lực để chống lại hỏa ngục.

- Kinh Mân Côi tiêu diệt thói hư tật xấu, giải thoát khỏi tội lỗi, và phá tan các lạc thuyết.

- Với tràng chuỗi Mân Côi trong tay chúng ta có thể chiến thắng chống lại các cường lực ma qủy, chống lại các đam mê, chống lại các hiểm nguy đủ loại, chống lại tất cả các cám dỗ tấn công chúng ta trong mọi thời và mọi nơi.

- Kinh Mân Côi Thánh là một phương tiện cứu rỗi linh hồn và thân xác con người.

- Thánh Gioan Bosco giải thích: con rắn diễn tả qủy dữ, nút thòng lọng là Kinh Kính Mừng Maria, cái dây là Tràng Hạt Mân Côi là một chuỗi các Kinh Kính Mừng, với nó có thể tranh đấu, chiến thắng, phá hủy tất cả mọi qủy dữ của hỏa ngục.

- Cả Đức Giáo Hoàng Adriano VI cũng đã khẳng định rằng: ”Kinh Mân Côi là roi đánh ma qủy”.

Theo truyền thuyết Kinh Mân Côi đã được Đức Mẹ truyền cho thánh Đaminh vào thế kỷ thứ 12 nhằm cải hóa bè rối Albigensê lúc đó đang tung hoành ở miền nam nước Pháp.

Như vậy, khẩu trang KMC rõ ràng là công cụ hữu hiệu nhất có thể ngăn ngừa sự xâm nhập của các loại virus độc hại có thể làm cho linh hồn của chúng ta bị hư mất.

Vậy, không những chúng ta cần trang bị loại khẩu trang FFP2 để ngăn ngừa virus Corona tấn công thể xác, đồng thời cũng cần trang bị khẩu trang KMC để ngăn ngừa những virus có thể giết chết cả thân xác và linh hồn chúng ta nữa.

Đỗ Văn Thục

 

Dù là cỏ dại, nhiều loại cũng có hoa.

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 392

Yesterday 395

Week 1489

Month 6072

All 316716

Currently are 8 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions