Trước biến cố năm 1975 tại Sài Gòn có một trung tâm gọi là „trung tâm thính thị“ nhưng sau này những người chế độ mới không thích dùng hán tự nên đổi là „trung tâm nghe nhìn“. Danh từ tuy rất thuần Việt và rõ nghĩa nhưng có vẻ không êm tai, thiếu bóng bảy văn chương. Tuy nhiên, dùng danh từ nào thì hành động và ý nghĩa vẫn không thay đổi.

Nghe và nhìn là công việc quan trọng và thiết yếu của mỗi con người trong cuộc sống. Nó giúp con người mở rộng kiến thức, giúp con người chứng thực một điều gì đó. Thí dụ một người nào đó nói: chính mắt tôi thấy, chính tai tôi nghe nghĩa là người đó xác quyết một sự việc gì đó hoàn toàn có thật, chính xác. Vì thế, Việt Nam ta có câu „mắt thấy tai nghe“.

Chúa nhật tuần trước lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa kết thúc mùa Giáng Sinh, bắt đầu bước vào mùa thường niên. Qua Phép Rửa tại sông Jordan Thiên Chúa công khai giới thiệu cho toàn dân về Chúa Giê-su cùng sứ vụ của Ngài :"Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha". Từ đây giáo hội lần lượt hướng dẫn chúng ta tìm hiểu cuộc đời rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su.

Các bài đọc tuần này giáo hội muốn chúng ta tìm hiểu hai việc: nghe và nhìn. Nghe tiếng Chúa gọi và nhìn việc Chúa làm. Trong bài đọc thứ nhất, khi tiên tri Samuel còn là một cậu bé được ở chung với thầy tư tế Hê-li trong đền thờ đã được Thiên Chúa kêu gọi để sau này thi hành sứ mệnh Chúa sẽ trao. Mặc dù nghe được tiếng Chúa gọi nhưng cậu Samuel lúc đó chưa nhận ra được tiếng Chúa. Chỉ có thầy tư tế Hê-li dù không nghe được tiếng Chúa nhưng đã nhận ra đó là tiếng Chúa.

Trong đời sống hằng ngày Chúa vẫn mời gọi chúng ta và nhiều khi năn nỉ chúng ta nhưng chúng ta đã chẳng nghe hoặc nghe mà chẳng hiểu hay chẳng nhận ra tiếng Chúa gọi. Chúng ta không nghe, không nhận ra tiếng Ngài có lẽ vì những âm thanh khác bên ngoài lấn át và hấp dẫn chúng ta hơn. Chẳng hạn âm thanh mời gọi của tiền tài, danh vọng, tình yêu, dục vọng v.v… Ngày nay chắc chắn Chúa không gọi chúng ta bằng tiếng gọi cụ thể như đã gọi tiên tri Samuel, vì thế chúng ta chỉ nghe được tiếng Chúa bằng lương tâm, bằng tình yêu, bằng cảm nhận từ trái tim.

Thế giới ngày nay tiếng Chúa đã bị rất nhiều những âm thanh khác bên ngoài „phá sóng“ khiến cho nhiều người không còn nhận ra và nhiều khi cố tình không muốn nghe tiếng Chúa nữa. Do đó, để nghe được tiếng Chúa chúng ta cần tỉnh táo và cầu nguyện không ngừng.

Nghe thực là điều quan trọng và nhìn cũng là điều quan trọng không kém. Nghe để hiểu và nhìn để nhận thức. Vì, nhìn thấy có thể chứng thực điều gì nghe được. Chúng ta thường có câu: „tai nghe không bằng mắt thấy“.

Đoạn Tin Mừng hôm nay khi nghe hai môn đệ của thánh Gioan hỏi Chúa Giê-su: „Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?“. Chúa Giê-su đã không trả lời thẳng câu hỏi mà Ngài mời gọi hai môn đệ của thánh Gioan „hãy đến mà xem“. Có thể khi nghe thánh Gioan giới thiệu về Chúa Giê-su: "Đây là Chiên Thiên Chúa", hai người môn đệ này nghĩ rằng Chúa Giê-su là người cao trọng hơn cả Gioan, là Đấng Ki-tô chắc hẳn phải ở một nơi sang trọng nào đó. Chúa Giê-su đã đọc được những ý nghĩ trong đầu của hai môn đệ này và Ngài nghĩ rằng có nói ra thế nào thì chắc hai ông này sẽ không tin. Chúa Giê-su đã áp dụng câu: „tai nghe không bằng mắt thấy“. Do đó, Ngài bảo cứ đến xem thì biết.

Giữa xã hội ngày càng tục hóa hôm nay Chúa vẫn tha thiết mời gọi chúng ta „hãy đến mà xem“:

„Hãy đến mà xem“ Chúa ẩn thân nơi nhà tạm, trong nhà thờ hoang vắng để thấy Chúa cô đơn biết chừng nào khi con người thờ ơ lãnh đạm với Chúa.
„Hãy đến mà xem“ gương mặt Chúa xót xa đau đớn dường nào nơi những thai nhi bị tước đi quyền sống trước khi được chào đời, để thấy rằng mình được diễm phúc có mặt trên đời.
„Hãy đến mà xem“ thân hình Chúa bị rét run, đói khát nơi những người vô gia cư không nơi nương tựa, để thấy rằng mình diễm phúc có một mái ấm gia đình.
„Hãy đến mà xem“ gương mặt Chúa bị bầm nát tang thương nơi những người bị áp bức, hành hạ, bị tra tấn, bị tù đày v.v… để thấy mình diễm phúc được sống an bình hạnh phúc.
„Hãy đến mà xem“ gương mặt Chúa héo hon sầu khổ nơi những người bị thiên tai lũ lụt, động đất không còn tài sản gì sinh sống, để thấy rằng mình có điều kiện cần phải chia sẻ.
„Hãy đến mà xem“ gương mặt Chúa gầy gò ốm yếu nơi những người già cả bệnh tật, những trẻ em bị bỏ rơi không ai chăm sóc, để thấy mình diễm phúc được sống hạnh phúc bên cạnh người thân.
„Hãy đến mà xem“ gương mặt Chúa buồn rầu tủi phận nơi những người khuyết tật bị xã hội coi thường hất hủi, để thấy mình diễm phúc được toàn vẹn thân thể.
„Hãy đến mà xem“ Gương mặt khắc khổ đầy lo âu nơi những người không có công ăn việc làm, để thấy mình diễm phúc được sống đầy đủ tiện nghi sung túc.
„Hãy đến mà xem“ gương mặt Chúa nhăn nhó đau đớn nơi những người mang trọng bệnh hoặc đang hấp hối, để thấy mình diễm phúc được sống khỏe mạnh vui tươi.
„Hãy đến mà xem“ gương mặt Chúa vui tươi thân thiện nơi những vị bác sĩ, y tá, những người ngày đêm tận tình chăm sóc bệnh nhân, để thấy rằng mình còn thiếu trách nhiệm với tha nhân.

Còn rất nhiều nữa những điều Chúa mời gọi chúng ta đến xem để chứng kiến gương mặt của Chúa ẩn hiện khắp mọi nơi, mọi thành phần để suy tư và nhận chân được đâu là sự thật, từ đó chúng ta biết loại bỏ những tiếng động, những tiếng ồn ào, những âm thanh không lành mạnh bên ngoài để nghe được tiếng Chúa gọi từ bên trong và sẵn sàng thưa với Chúa: "Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe".

Đỗ Văn Thục

 

Ðời tôi là một bài luận mà tôi để cho Chúa làm đoạn kết.
_____ _____

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 6

Yesterday 546

Week 1516

Month 9969

All 309352

Currently are 83 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions