
Thành phố Köln (Cologne), không chỉ nổi tiếng bởi quy mô lớn và dân cư đông đúc, mà còn được biết đến nhờ bề dày lịch sử và những công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc. Nổi bật là Nhà thờ Chính tòa Köln (Kölner Dom) – một trong ba nhà thờ cao lớn nhất thế giới, trụ sở của Tổng giáo phận Köln, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 1996. Với kiến trúc Gothic hùng vĩ và hơn 770 năm tuổi, Kölner Dom là điểm hành hương quan trọng và là biểu tượng đức tin của người Công giáo tại Đức.
Trong bối cảnh đó, Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Köln đã được thành lập vào ngày 26.02.1984 dưới sự hướng dẫn của Cha cố Philipphê Lê Đạo Luận. Cộng đoàn chọn lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15.08) làm ngày bổn mạng và từ đó đến nay, không ngừng phát triển trong đời sống đạo và sinh hoạt cộng đồng.
Hiện nay, cộng đoàn quy tụ khoảng 33 gia đình người Công giáo gốc Việt, sinh sống tại nhiều khu vực khác nhau trong thành phố Köln. Tuy sống rải rác, nhưng các sinh hoạt mục vụ vẫn diễn ra đều đặn và tích cực nhờ tinh thần đoàn kết và lòng nhiệt thành của mọi thành viên.
Nhà thờ Heilige Johannes XXIII tại Köln-Chorweiler là địa điểm sinh hoạt chính, nơi Thánh lễ tiếng Việt được cử hành định kỳ hai tháng một lần. Bên cạnh đó, cộng đoàn còn duy trì các hoạt động đa dạng như:
- Ca đoàn người lớn và ca đoàn thiếu nhi: phục vụ Thánh lễ, giúp các em nhỏ duy trì và phát triển tiếng Việt qua thánh ca và lời nguyện giáo dân.
- Ban nhạc Orchester: quy tụ các em thiếu nhi biết chơi nhạc cụ để cùng tham gia phụng vụ.
- Ban lễ sinh: hỗ trợ linh mục trong các nghi thức phụng vụ.

Sau Thánh lễ, cộng đoàn thường tổ chức buổi gặp gỡ thân mật tại hội trường giáo xứ với bữa tiệc buffet nhẹ do các gia đình thiện nguyện đóng góp, tạo cơ hội gắn kết và chia sẻ giữa các thành viên. Ban đại diện cộng đoàn nhiệm kỳ hiện tại gồm có:
- Trưởng ban: Anh Antôn Vũ Minh Hải
- Phó ban: Anh Giuse Ngô Quốc Việt
- Thư ký/Thủ quỹ: Chị Maria Vũ Thị Thúy
Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Köln luôn hướng đến việc duy trì đời sống đức tin, gìn giữ văn hóa dân tộc và tích cực hòa nhập vào đời sống giáo hội địa phương trong tinh thần hiệp thông và yêu thương.


