Trong dòng lịch sử Giáo hội Công giáo ở trần gian từ hơn hai ngàn năm nay có tất cả 266 vị Giáo Hoàng kể từ Thánh Phero, vị Giáo Hoàng thứ nhất, cho tới đức đương kim Giáo Hoàng Phanxico, được bầu chọn từ ngày 13. 03. 2013.

Trên tường chung quanh bên trong đền thờ Thánh Phaolo ngoại thành ở Roma có khắc vẽ hình các Vị Giáo Hoàng từ Thánh Phero, vị Giáo hoàng tiên khởi, tới Đức đương kim Giáo hoàng Phanxico.

Từ xưa nay có nhiều sách lịch sử về Giáo hội Công giáo viết thuật lại lịch sử của mỗi vị Giáo Hoàng cùng những nét đặc thù của các ngài trong công việc mục vụ kế vị Thánh Phero điều khiển Giáo Hội Chúa Giêsu ở trần gian.

Tông đồ Phero

Thánh Phero, vị Giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội Chúa Giêsu ở trần gian không có bút tích lịch sử ghi chép về ngài. Nhưng trong các phúc âm Chúa Giêsu, Thánh Phero là nhân vật được nhắc kể đến nhiều hơn 11 Tông đồ khác của Chúa Giêsu.

Lần dựa theo Phúc âm Chúa Giêsu, sách Kinh Thánh Công vụ các Tông đồ, cùng một vài chứng cứ truyền thuyết, lịch sử về con người cùng đời sống đức tin của Thánh Phero, vị Giáo Hoàng tiên khởi, được tìm ra biết đến và viết ghi chép lại thành văn bản.

Phero, có tên do cha mẹ đặt cho là Simon con của Ông Jona người vùng Bethsaida. Ông là anh của Andre, người được Chúa Giêsu kêu gọi đầu tiên làm môn đệ, anh em Phero sinh sống bằng nghề chài lưới đánh cá ở biển hồ Galileo. Phero có gia đình và sau này sinh sống ở vùng Carphanaum. Tên Phero là tên do Chúa Giêsu đặt cho, theo tiếng Aramai là Kefa, tiếng latinh Petrus, có nghĩa là „tảng đá“.

Phero là người sống nghề chài lưới có đời sống là một nông dân đơn giản, tận tụy với công việc căn bản sinh sống bằng chân tay. Ông không được hấp thụ nền đào tạo giáo dục trí thức uyên thâm, nên có lối suy nghĩ và ngôn ngữ của một người nông dân chài lưới miền thôn quê, cộng thêm nét tính tình bộc trực, nóng nảy đôi khi qúa thẳng thắn mộc mạc.

Các Phúc âm Chúa Giêsu nói thuật lại nhiều biến cố đời Chúa Giêsu, trong đó Phero là người trực tiếp can dự vào. Biến cố Chúa Giêsu chữa lành cơn sốt rét cho nhạc mẫu của ông là một trong những phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện ở Nazareth.

Rồi nơi biển hồ Genezareth, sau những lời của Chúa Giêsu nói thúc dục anh em Phero ra ngoài khơi thả lưới, phép lạ đã xảy ra là các ông bắt được mẻ cá nhiều đến nỗi lưới gần rách, mà trước đó suốt cả đêm anh em Ông không thành công bắt được con cá nào. Biến cố này đã thức tỉnh Phero lần đầu tiên nhận ra Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Phero qúa bỡ ngỡ ngạc nhiên đến độ sợ hãi van xin Chúa Giêsu: Xin Thầy xa con, vì con là kẻ tội lỗi.!

Tông đồ Phero cùng với hai vị tông đồ Johannes và Jacobus là những người được Chúa Giêsu dẫn đưa lên núi Tabor chứng kiến biến cố Chúa Giesu biến hình, và là những nhân chứng có mặt trong vườn Gethsemane khi Chúa Giêsu trải qua những giờ phút cầu nguyện hấp hối trong đau khổ buồn phiền cùng cực.

Trong bữa tiệc ly Phero đã có cuộc đối thoại với Chúa Giêsu gần như cự tuyệt. Vì Ông không muốn chịu để cho Chúa Giesu rửa chân cho cho mình.

Trong vườn Gethsemane khi Chúa Giêsu bị bắt, Phero đã nóng tính muốn bảo vệ Thầy mình, nên rút gươm chém đứt tai của người đầy tớ thầy cả thượng phẩm.

Phero đã đoan hứa với Chúa Giêsu không bao giờ phản bội bỏ Thầy. Nhưng vài giờ sau đó Ông đã chối Thầy mình tới ba lần. Sau khi nghe tiếng gà gáy và cái nhìn của Chúa Giêsu, Phero đã ăn năn hối lỗi khóc lóc thảm thiết.

Ông Phero đã cùng với các người phụ nữ chạy ra mộ chôn Chúa Giêsu, và đã tận mắt chứng kiến ngôi mộ trống không có xác của Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu đã sống lại.

Sau khi Chúa Giesu sống lại và Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ông Phero đã lần đầu tiên mạnh dạn trước hàng ngàn dân chúng rao giảng làm chứng về Chúa Giêsu Kitô đã sống lại vào ngày lễ Ngũ Tuần ở Jerusalem.

Giáo hoàng Phero ở Roma

Thánh tông đồ Phero đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin Chúa Giêsu là con Thiên Chúa trước mặt Chúa Giêsu và toàn thể anh em các Tông đồ. Chúa Giêsu đã đặt Phero đứng đầu các Tông đồ, và trao cho trách vụ là Giáo Hoàng điều khiển Giáo Hội thay mặt Chúa Giêsu ở trần gian.

Và khi tiên báo Phero sẽ chối Chúa trước khi gà gáy sáng, Chúa Giêsu cũng đã ủy thác cho Phero một sứ mạng tinh thần đi củng cố đức tin vào Chúa nơi anh em. Sứ mạng có trách nhiệm đứng đầu phục vụ Giáo hội: :“Thầy cầu nguyện cho con để con đứng vững vàng trong đức tin. Phần con, một khi đã trở lại, con hãy củng cố làm cho anh em con nên vững vàng.“ (Lc 22,32).

Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Phero đã ba lần đoan hứa với Chúa Giêsu: Vâng, con yêu mến Thầy! nên được Chúa trao cho nhiệm vụ là giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội trên trần gian: Hãy chăn dắt chiên của Thầy.

Vào khoảng năm 48 sau Chúa Giáng sinh, Thánh Phero tham dự họp Công đồng các Tông đồ ra quyết định cho những người ngoại giáo trở lại Kitô giáo. Nơi đây Thánh Phero đã mạnh mẽ lên tiếng biện hộ bênh vực mọi người, để họ không bị ràng buộc vào thủ tục luật cũ thời Mose khi gia nhập Kitô giáo.

Theo truyền thuyết để lại vào khoảng giữa những năm 64 và 67 Thánh Phero đã chịu chết tử vì đạo ở Roma. Điều này những nhà nghiên cứu sử học khảo cổ đã tìm thấy dấu vết chứng từ Phero đã sống ở kinh thành muôn thuở Roma.

Bức thư thứ nhất của Clemens vào năm 96. đã thuật lại việc này, Thánh Tông đồ Phero và Phaolo đã chết tử vì đạo dưới thời hoàng đế Nero bắt cấm đạo ở Roma.

Thánh Ignatius thành Antiochia đến thăm thành Roma vào năm 112 cũng đã được dân thành thuật kể lại Thánh Tông đồ Phero và Phaolo đã sống ở Roma vùng Vatican cho tới khi chết.

Đền thờ Thánh Phero ở Vatican được xây năm 1506 - 1626 ngay trên mộ Thánh tông đồ Phero. Những cuộc đào bới khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết ngôi mộ chôn Thánh Phero ở ngay dưới chân bàn thờ chính trong đền thờ Thánh Phero.

Chung quanh bên trong mái vòng tròn đền thờ Thánh Phero chỗ bàn thờ chính có khắc viết câu kinh thánh bằng tiếng latinh lời của Chúa nói với Phero phong Ông làm giáo hòang tiên khởi: „Tu es Petrus et super hanc petram aedificabo ecclesiam meam. - Phero, con là đá, trên đá này Ta sẽ xây dựng Giáo Hội của Ta“ ( Mt 16,18).

Người Công giáo Việt Nam xưa nay khi Chầu Thánh Thể, trước Mình Thánh Chúa cung kính hát trọng thể bài Này con là đá cầu nguyên cho Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng thật sốt sắng cảm động.

Lời bài hát chan chứa tâm tình lòng yêu mến nguyện cầu là những lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phero phong ngài làm Giáo hoàng còn ghi chép trong Kinh Thánh.

Nói đến Thánh Phero, vị Giáo hoàng tiên khởi, có 4 đặc điểm, hay đúng hơn là những hình ảnh biểu tượng gắn liền với ngài:

1. Chiếc chìa khóa là biểu hiệu quyền mà Chúa Giêsu Kitô trao ngài lúc phong ngài làm Giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội trên trần gian: „Thầy trao cho con chìa khóa nước trời: dưới đất con cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất con tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.“ (Mt 16. 19)

2. Quyển sách phúc âm Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu truyền sai ông đi thi hành sứ mạng truyền giáo làm chứng gieo vãi tin mừng Chúa Giêsu cho trần gian.

3. Con gà trống. Tiếng gà gáy ban đêm xưa nay trong dân gian báo hiệu đổi giờ canh thức. Nhưng tiếng gà gáy đêm Chúa Giêsu bị xử án lại là tiếng thức tỉnh lương tâm Phero làm ông nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói trước đó: Trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần rồi. (Ga 13,38 và Ga 18, 27).

Tiếng gà gáy báo giờ ngày sáng đang tỏ hiện đã soi sáng giúp Phero nhận ra bóng tối tội lỗi của mình đã chối bỏ Chúa.

4. Bị đóng đinh ngược. Hình ảnh Thánh Phero chịu chết vì Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh vào thập giá ngược, đầu dốc ngược xuống đất, hai chân lên phía trên, theo truyền thuyết thuật kể lại, là ý muốn của chính Thánh Phero. Vì Ông nghĩ rằng mình không xứng đáng như Thầy Giesu của mình ngày xưa bị đóng đinh xuôi vào thập gía hai tay dang ra ôm lấy trần gian. Còn Thánh Phero xin được đóng đinh ngược đầu dốc xuống đất, hai tay dang ra ngước lên trời cao như van cầu xin ơn tha thứ.

Nhân danh Chúa Giêsu

Thánh tông đồ Phero cùng với 11 Tông đồ, được Chúa Giêsu truyền cho chức Linh mục đầu tiên trong bữa tiệc ly trước khi Chúa chịu chết. Được Chúa Giêsu trao ban cho chức linh mục, Thánh Phero đã thi hành chức vụ thánh thiêng nhân danh Chúa Giêsu.

Sách công vụ các Tông đồ (3,1-10) viết thuật lại khi Thánh Phero và Thánh Gioan tông đồ vào đền thờ Jerusalem thì thấy một người bị tê liệt ngồi nơi cửa đền thờ ăn xin. Anh ta xin tiền để sinh sống. Vì anh ta không thể tự làm việc kiếm tiền mua cơm bánh nuôi sống chính mình được. Anh ta xin tiền như một cái gì thay thế cho sự tự do của anh ta, cho đời sống của mình mà anh không thể tự làm được.

Hai vị tông đồ Phero và Gioan đi đến với tay không „vàng bạc tôi không có“, nhưng hai vị lại có điều giầu sang khác mà anh ta không hỏi xin: “Điều tôi có, nhân danh Chúa Giêsu thành Nazareth, anh hãy đứng dậy và đi lại.“.

Điều được ban cho là chính đời sống riêng của anh. Anh đứng dậy đi lại làm việc được. Sự tự do anh có trở lại để sống theo con đường đời sống của anh, như Đấng Tạo Hóa sinh thành ban cho đời anh.

Hai Thánh tông đồ Phero và Gioan đã cho anh bị tê liệt ăn xin không tiền bạc thức ăn. Nhưng đã cho anh ta điều nhân danh Chúa Giêsu thành Nazareth chính là nội dung căn bản của chức linh mục Chúa Giêsu ban trao cho.

Theo truyền thuyết thuật kể lại vào thời hoàng đế bên Roma ra lệnh cấm đạo Công giáo cho thi hành lệnh bắt giết những người Công giáo vào những năm 60. Vì sợ Thánh Phero bị bắt tra tấn giết, nên các tín hữu Công giáo đã khuyên răn Ông trốn đi khỏi Roma.

Trên đường đi trốn, Thánh Phero đã nhìn Thấy Chúa Giêsu Kitô đi ngược chiều đến gần mình. Qúa ngạc nhiên vui mừng cùng hoảng hốt nên cây gậy nơi tay Phero tuột rơi xuống, mắt mở to từ từ Ông qùy gối xuống mặt đường hai tay dang ra và miệng kêu lớn tiếng:

„Lạy Thầy Giêsu! Lạy Thầy Giêsu!“

Rồi Phero cúi mặt xuống đất. Sau một lúc lâu yên lặng, Phero lên tiếng hỏi Chúa Giêsu:

„Quo vadis, Domine? Lạy Chúa, Thầy đi đâu?“

Có tiếng nói trầm buồn đầy lòng thương xót rót vào tai Phero:

„Con bỏ rơi dân của Thầy. Ta đi vào Roma, để chịu đóng đinh vào thập gía!“.

Tông đồ Phero qúa xúc động nằm xấp mặt xuống nền đất dính đầy bụi bặm không cử động… Người theo dẫn đường thấy thế sợ hãi tưởng là Phero ngã qụy chết… Nhưng Phero chỗi dậy tay còn run rẩy nắm nhặt cầm lấy cây gậy trên mặt đất quay trở lại đi vào Roma.

Người cùng đồng hành hỏi nhắc lại lời của Phero: Quo vadis, Domine?

Thánh Phero trả lời nhỏ nhẹ: “Trở về Roma!“

Theo gương và nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Giáo hoàng Phero quay trở về Roma để được chết vì Chúa. Sau đó Ông bị bắt và chịu chết tử vì đạo bị xử đóng đinh ngược vào thập gía như Ông mong muốn.

Nhân danh Chúa Giêsu, Phero đã từ nước Do Thái ra đi rao giảng nước Thiên Chúa cho con người, và đến thành Roma vùng đồi Vatican lập Cộng đoàn Kitô giáo, rồi sau này trở thành tòa thánh Vatican thủ đô của Giáo hội Công giáo hoàn cầu.

Kính thưa Cha cố Phero Nguyễn trọng Qúi,

Từ 90 năm nay, 1928-01.-2018, Thiên Chúa tạo dựng sinh thành ban cho Cha cố đời sống trường thọ trên trần gian qua những chặng khúc thời gian khác nhau trên các nẻo đường thế giới.

Sinh ra lớn lên ở miền Bắc Việt Nam trong Giáo phận Bắc Ninh, du học bên Roma giáo đô Vatican, giáo sư thần học đại chủng viện Vĩnh Long, và Giám đốc Đại chủng viện Thánh Toma Long Xuyên ở miền Nam Việt Nam, sinh sống làm việc mục vụ bên Pháp quốc, và sang sinh sống làm việc mục vụ xứ đạo cho người Công giáo Viêt Nam từ 1980 bên Đức quốc nơi Tổng giáo phận Paderborn và giáo phận Essen. Và từ 16 năm nay đi nghỉ hưu ở Herne.

Từ 60 năm nay, Thiên Chúa đã ban cho Cha cố thiên chức Linh mục vào đúng ngày Giáo hội mừng lễ kính Thánh Phero, vị linh mục, vị Giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội, 1958 -29.06.- 2018. và cũng là thánh bổn mạng của cha cố.

Như Thánh Phero ngày xưa, Cha cố cũng nhân danh Chúa Giêsu ban các Bí tích cho những ai muốn xin lãnh nhận với trái tim lòng yêu mến và đôi bàn tay thánh hiến đời Linh mục.

Nhân danh chúa Giêsu Kitô, Cha cố đã truyền lại cho thế hệ chủng sinh. linh mục học trò, trong đó có con, những kiến thức căn bản cần thiết về giáo lý thần học đức tin vào Thiên Chúa tình yêu.

Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Cha cố đã luôn mang niềm an ủi tinh thần cho những ai gặp bước đường đau khổ lo âu phiền muộn. Và cùng chung vui với những ai có niềm vui thành công.

Xin cùng với Cha cố dâng lời ca ngợi tạ ơn Thiên Chúa về những ân đức Ngài ban cho đời sống của Cha cố từ 90 năm qua, về những chúc lành Thiên Chúa đã ban xuống gìn giữ đời Linh mục của Cha cố từ 60 năm nay: Te Deum laudamus !

Xin cùng mừng vui cám ơn Cha cố đã cách này cách khác làm ơn giúp đỡ những ai cần được giúp đỡ, trong đó có con: Deo gratias!

Xin cùng chúc mừng Cha Cố dịp mừng kỷ niệm 90 tuổi trường thọ, ngọc khánh chức Linh mục và ngày kính Thánh bổn mạng Phero, 29.06. của Cha Cố: Ad multos annos!

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Học trò cũ của Cha Cố Phero Nguyễn trọng Qúi.

 

Nụ cười trong đau khổ tương tự như một bông hoa nở trong khe đá. Nó đẹp vì biểu lộ một sức sống phi thường bên trong.

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 468

Yesterday 396

Week 1432

Month 9885

All 309268

Currently are 79 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions