Giam Muc Bui Tuan

1.
Cũng như mọi người, tôi biết phân biệt ngày và đêm. Ngày thì sáng, đêm thì tối. Thường thì trong 24 tiếng đồng hồ, sáng dài hơn tối.
Khi áp dụng sáng và tối vào tình hình, tôi thấy rất nhiều trường hợp, tối lại nhiều hơn sáng, đêm lại dài hơn ngày.
Tình hình có thể là của một xã hội, của một Giáo Hội. Tình hình cũng có thể là của một tâm hồn con người.
Tình hình xã hội Việt Nam hôm nay đang bị che phủ bởi nhiều bóng tối mang chất độc. Nhưng trong bóng tối ấy vẫn tìm được ánh sáng lành mạnh.
Tình hình Giáo Hội Việt Nam hôm nay cũng đang bị che phủ bởi nhiều đám mây mù ảm đạm và nhiều bóng đêm hãi hùng. Nhưng trong đó, vẫn tìm được ánh sáng hy vọng.
Tình hình tâm hồn con người Việt Nam hôm nay nói chung rất phức tạp. Có bóng tối và có ánh sáng. Mức độ rất khác nhau. Theo tôi, bóng tối xem ra đang có chiều hướng tăng thêm.
2.
Những cái làm nên bóng tối phải nhận là rất nhiều, như: Những đau đớn, những sợ hãi, những lo âu, những bất bình, những thất vọng, những chán nản, vv... Một trong những thành phần bóng tối mà tôi sợ nhất, là giảm lòng tin và mất lòng tin.
Người ta không còn tin nhau như trước. Không tin vào những lời nói tốt, lời hứa đẹp. Không tin vào những thái độ có vẻ niềm nở, những cử chỉ có vẻ dấn thân. Không tin đau đớn nhất là mất tin tưởng nơi những người mình đặt nhiều tin tưởng nhất.
Khi đi sâu vào bóng tối của lòng người, tôi thấy bàng hoàng, choáng váng.
3.
Trước một tình hình như vậy, câu hỏi đặt ra cho tôi là tôi phải cứu tôi thế nào, và tôi phải làm thế nào để cứu người khác cho khỏi bóng tối.
Khi nói, để cứu tôi, thì tôi đã tự thú nhận là chính tôi cũng đang có những bóng tối trong lòng mình.
Tôi trình bày ý muốn của tôi lên Đức Mẹ sầu bi. Mẹ sầu bi dần dần cho tôi thấy là: Tôi hãy làm như Mẹ.
Trước hết, như Mẹ, khi lòng tôi bị bóng đêm che phủ, tôi đừng đổ lỗi cho ai, đừng trách móc chửi bới ai, cũng đừng than trách bực bội với chính mình. Tôi phải rất khiêm nhường, nhìn vào Mẹ sầu bi.
Tôi thấy Mẹ là Đấng rất thánh. Nhưng lòng Mẹ đầy những đớn đau do tội lỗi nhân loại. Đớn đau chính là một thứ bóng tối. Trong bóng tối đớn đau, Mẹ không kết án ai. Mẹ cũng không cay đắng với chính mình. Mẹ khiêm nhường để mình chìm trong bóng tối khổ đau. Mẹ đau nhất là vì chính những bóng tối tội lỗi đang làm đau lòng Chúa. Mẹ chịu đau để đền tội thay.
Bóng tối cơn đau của Mẹ là do tội lỗi nhân loại. Còn bóng tối cơn đau của tôi có một phần do tội lỗi của chính tôi. Nên tôi càng phải rất khiêm nhường, nhìn nhận sự yếu đuối của mình và cầu xin Chúa cứu.
Khi đau như thế trở thành vết thương trong trái tim, tôi thấy vết thương đó cứu tôi. Cứu ở đây không phải là cứu cho khỏi đau khổ, nhưng là cứu cho sự tôi phải đau khổ không trở thành vô ích, hay thêm tội. Trái lại, đau đớn của tôi thành một giá trị thanh luyện. Khi kết hợp với đau khổ của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ, nó có sức cứu các linh hồn.
Như vậy, trong bóng đêm dày đặc, tôi đã tìm thấy ánh sáng.
4.
Được như vậy, tôi cảm tạ Chúa và Đức Mẹ hết lòng. Nhưng tôi không thể dừng lại ở đó. Nhìn xung quanh tôi, tôi thấy vô số tâm hồn cũng đang bị bóng đêm bao phủ. Tôi có thể làm gì để cứu họ? Tôi lại hỏi Đức Mẹ Maria sầu bi.
Mẹ sầu bi lại trả lời tôi là hãy làm như Mẹ. Mẹ cứu con người bằng tình yêu thương. Tình yêu thương đó phải rất cụ thể, chân thành.
Tới đây, tôi chợt nhớ một câu chuyện do một nhân chứng kể lại: Một bà mẹ có con dại, vì mắc tội, bị toà án tuyên phạt 15 năm tù. Trong nhà giam, đêm đó, bà vật vã khấn trời van đất hãy thương đến bà. Bà thiếp đi. Trong giấc ngủ, bà thấy một Bà rất hiền từ hiện ra, nói với bà: “Ba năm nữa, con sẽ được ra khỏi tù”. Đúng ba năm sau, bà được tha. Việc đầu tiên bà làm là đi các chùa xem vị thần nào giống Bà đã hiện ra cứu bà. Vì bà theo Phật giáo. Bà không thấy. Một hôm, một người xe ôm công giáo chở bà đến nhà thờ. Lập tức, bà chỉ vào Đức Mẹ và quả quyết: Bà hiện ra cứu tôi chính là Đức Mẹ đây. Chuyện này xảy ra ở Việt Nam.
5.
Câu chuyện trên đây cho tôi thấy: Bắt chước Đức Mẹ, là hãy thương xót con người cụ thể, bằng việc cụ thể. Cả khi họ không biết đạo, không biết tôi là ai.
Trong chuyến đi cuộc đời, không thiếu người mong muốn tìm được ai có thể là quán trọ, để họ nghỉ lại, tránh được mưa gió, ít là cho qua cơn nguy hiểm.
Trong hành trình dài cuộc sống, không thiếu người đi tìm ai đó có thể là điểm tựa, để họ tin tưởng, ít là trong những thử thách cam go.
Tôi tự hỏi mình có thể là một quán trọ, một điểm tựa nhỏ bé cho những người bé nhỏ không? Cái khó trong vấn đề này là phải rất cụ thể bằng tâm tình, bằng việc làm, được minh chứng qua sự hy sinh, quên mình.
Thiết tưởng, dù hèn yếu đến đâu, nhưng với một tấm lòng quảng đại đạo đức, bất cứ ai cũng có thể là điểm tựa và quán trọ một cách nào đó cho một số người.
Nhìn vào Quê Hương Việt Nam nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng, tôi thấy mặc dầu bóng tối là rất nhiều, nhưng trong bóng tối ấy vẫn tìm được những ánh sáng. Ánh sáng là những con người có trái tim yêu thương quảng đại, mặn nồng tha thiết. Trái tim họ đáng tin cậy để người ta chọn là quán trọ, là điểm tựa.
Những quán trọ ấy, những điểm tựa ấy rất lặng lẽ. Họ sống chôn vùi. Chôn vùi mà vẫn toả sáng nhờ tình yêu thương chân thành, tế nhị, có Chúa ở cùng.
Rất may, mà Hội Thánh Việt Nam vẫn có những con người là ánh sáng tình thương như thế. Chứ nếu thời sự công giáo chỉ toàn là các chương trình đẹp, các công trình xây cất lớn lao, các hội họp tưng bừng, các nghi thức long trọng, các đón tiếp hoành tráng, các con số phô trường, các trang giấy chửi đời nịnh đạo, thì thiết tưởng các bóng tối vẫn còn đó, có khi lại tăng thêm.
Xin Mẹ Maria thương đến chúng con đang phải đối mặt với nhiều thứ bóng tối.

Thiên nhiên là một cuốn phim câm của Thượng Ðế. Xem hình là đủ hiểu. Kẻ không hiểu là vì xem mà không thấy.
_____ _____

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 544

Yesterday 396

Week 1508

Month 9961

All 309344

Currently are 89 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions